Hơn 30 con chó, được huấn luyện bài bản để đánh hơi loại nấm truffle (nấm cục) - món ăn đắt hơn vàng - mọc dưới lòng đất gần những rễ cây ẩm ướt và mốc meo ở vùng nông thôn Abruzzo và Molise của miền Trung nước Ý, đã bị giết hại một cách tàn nhẫn...
Theo đơn vị bảo vệ động vật của lực lượng cảnh sát Carabinieri địa phương, chúng đã bị đầu độc chết tức tưởi vào cuối tuần trước.
Những con chó ăn phải thịt viên tẩm chất độc (được cho là metaldehyde và strychnine). Những viên thịt ấy được giấu một cách đầy mưu mô ở nơi những con chó có thể dễ dàng nhìn thấy nhưng lại khuất tầm nhìn của chủ nhân.
Đây không phải là lần đầu tiên chó đánh hơi "hy sinh" tính mạng của mình trong thế giới săn nấm truffle tưởng xa hoa mà đầy u ám.
Các nhóm bảo vệ động vật cho biết trung bình có khoảng 10 con chó săn nấm truffle bị giết trên khắp nước Ý mỗi năm. Theo các hiệp hội săn bắn địa phương, con số này có thể cao hơn do nhiều trường hợp tử vong mà không được báo cáo.
Nhưng vì sao những con chó săn nấm truffle lại bị giết vô cớ như vậy?
Vì... lòng tham và đố kỵ những kẻ săn nấm muốn loại trừ đối thủ cạnh tranh?
Giá tăng cao vút
Những cái chết đột ngột của những con chó săn như vậy đã phủ bóng đen ngành kinh doanh trị giá hàng triệu USD chuyên cung cấp nấm truffle trắng của Ý cho các nhà hàng sang trọng nhất thế giới. Nó cũng đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là lĩnh vực truyền thống ít được quản lý nhất ở Ý.
Chúng ta đều biết, nấm truffle là loại gia vị quý được cho vào mì ống, nghiền thành nước sốt hay ngâm trong dầu để phục vụ cho những thực khách giàu có nhất hành tinh. Vậy nên, việc săn lùng và được thưởng thức hương vị nấm truffle được xem là chỉ thuộc về tầng lớp thượng lưu.
Trong những năm gần đây, nhu cầu của "những người sành ăn" đối với loại nấm quý hiếm này đã tăng vọt khiến giá của nó càng bị đẩy lên cao. 400 USD (tương đương 9,6 triệu VNĐ) cho một lần nếm thử nấm truffle ở các thành phố hoa lệ như San Francisco hay London.
Simon Martin, giáo sư lịch sử hiện đại của Ý và cũng là thợ săn nấm truffle được cấp phép, nói với CNN: "Cái giá của một cây nấm truffle trắng, mà người phục vụ bày trên đĩa đồ ăn của bạn ở nhà hàng cao cấp tại Tokyo, New York hoặc London, chính là tính mạng của một con chó co giật và nôn mửa trong bãi đậu xe ở trung tâm vùng Molise (Ý)".
Martin, người tự coi mình là một thợ săn nghiệp dư, nói rằng vấn đề cốt lõi là giá trị kinh tế của nấm truffle đang kiểm soát thị trường.
Những người thợ săn, được gọi là "tartufai", bán nấm truffle của họ cho những tay buôn trung gian. Sau đó, họ lại bán chúng cho các nhà hàng, nhà xuất khẩu hoặc đầu bếp tư nhân.
Những người săn nấm truffle cần phải vượt qua bài kiểm tra để có được chứng chỉ cho phép họ săn nấm truffle ở bất kỳ vùng đất nào. Họ được yêu cầu phải tuân theo các quy tắc, bao gồm cả việc rọ mõm chó của mình.
Mưu đồ ngày càng sâu sắc
Bí ẩn về kẻ đứng đằng sau vụ đầu độc hàng loạt gây ra cái chết của 30 con chó là nguyên nhân thực sự gây tranh cãi trong câu chuyện này, khi những người tham gia đóng vai trò riêng trong chuỗi cung ứng nấm truffle đổ lỗi cho nhau.
Một thợ săn nấm truffle (đề nghị được giấu tên vì lo sợ bị thợ săn khác trả thù) nói với CNN rằng không có thợ săn địa phương nào hoạt động vào thời điểm xảy ra vụ đầu độc, mặc dù đang là cao điểm của mùa nấm truffle.
CNN không thể xác minh liệu có thợ săn nào thực sự đang làm việc trong khu vực vào thời điểm đó hay không, nhưng những thợ săn địa phương nói chuyện với CNN (cũng với điều kiện giấu tên), đã phủ nhận việc biết trước về vụ đầu độc.
Cảnh sát xác nhận rằng các con chó bị đầu độc đều từ nơi khác đến khu vực này sau khi những cây nấm truffle lớn màu trắng được tìm thấy trong thời gian gần đây.
Một cuộc điều tra đã được tiến hành về "vụ thảm sát". Cho đến nay, chưa có một người nào bị bắt hoặc bị kết án vì các vụ giết hại chó săn nấm truffle xảy ra trước đó.
Nhóm bảo vệ quyền động vật địa phương cho biết một phần lý do là chủ sở hữu chó săn hiếm khi lên tiếng tố cáo khi chó của họ bị giết.
Cảnh sát cho biết, một số người có thể đã không đăng ký xin cấp phép hành nghề hoặc không gắn vi mạch cho chó của họ theo đúng quy định của luật pháp. Trong vài trường hợp khác, những con chó không đeo rọ mõm theo quy định.
Riccardo Germani, một nông dân trồng nấm truffle, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội những người săn nấm Truffle Ý, cho biết có những người giữ im lặng vì sợ bị trả thù. Ông nói, việc chọc thủng lốp xe và thậm chí làm nổ tung xe bán tải không phải là chuyện hiếm gặp trong giới săn nấm truffle.
Im lặng để yên ổn?
Cho đến nay, không ai trong số chủ sở hữu của 30 con chó bị đầu độc vào cuối tuần trước đứng ra nộp đơn khiếu nại, văn phòng công tố địa phương nói với CNN, khiến Hiệp hội Bảo vệ Động vật và Môi trường Ý (AIDAA), kêu gọi các công tố viên nhanh chóng hành động.
Họ muốn khu vực xảy ra vụ đầu độc phải đóng cửa trong một năm để phòng trường hợp vẫn còn chất độc giấu trong bụi rậm. Cơ quan này cũng kêu gọi các thợ săn phá vỡ quy tắc im lặng của họ.
"Chúng tôi lo ngại về sức khỏe của những con chó săn nấm truffle. Cái chết của 30 con chó không thể không được chú ý như thể đó là một vụ việc chỉ thu hút sự quan tâm của những người săn nấm truffle", AIDAA viết trong một bức thư gửi tới các hiệp hội thợ săn địa phương.
"30 con chó chết trong vài ngày là một vụ thảm sát thực sự. Chúng tôi tin rằng việc những người săn nấm truffle lên tiếng là điều đáng khích lệ, bởi chúng tôi nghĩ rằng một số người trong số họ rõ ràng có cái tên nghi ngờ trong đầu. Do đó, hãy gác lại sự im lặng và đến văn phòng công tố để nói ra sự thật".
Fabio Cerretano, chủ tịch của Liên đoàn Quốc gia các Hiệp hội nấm Truffle Ý, cho biết trong một tuyên bố sau vụ chó săn nấm truffle chết hàng loạt vào cuối tuần trước: "Chúng ta đừng nói về cuộc chiến giữa những người săn nấm truffle, đây là một vụ thảm sát thực sự. Đó là một kẻ điên, một tên tội phạm đã thực hiện hành động đáng xấu hổ, giết chết hàng chục chó săn nấm cục để độc chiếm khu vực tìm kiếm".
Phần nổi của tảng băng chìm
Ông Germani nói với CNN rằng những con chó chết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về những sai trái trong lĩnh vực săn nấm truffle.
Ông nói rằng có sự thiếu minh bạch về nguồn gốc của nấm truffle khi những người thợ săn bán chúng, bao gồm cả việc nhập khẩu nấm truffle từ những vùng xa xôi như Iran, Afghanistan và gần hơn là Croatia. Chúng được gắn mác "sản phẩm của Ý" và bán ra thị trường với giá cao.
Ông nói với CNN: "Có rất ít biện pháp kiểm soát trong thế giới săn nấm truffle. Và chúng tôi cần kiểm soát, các nhà chức trách không làm việc đó nên chúng tôi phải tự làm".
Trong một lá thư gửi Bộ Nông nghiệp Ý sau vụ thảm sát chó, ông viết: "Ngành nấm truffle của Ý, một trong những ngành xuất sắc của đất nước chúng ta, đang phải chịu thiệt hại không chỉ do các hoạt động bất hợp pháp và tàn ác mà còn do thiếu sự công nhận và quản lý phù hợp".
Ông Germani đã kêu gọi lắp đặt camera để giám sát các khu vực xảy ra vụ đầu độc nhưng cho biết cần phải đưa ra các biện pháp tiếp theo.
"Điều cần thiết là chính phủ phải can thiệp để đảm bảo việc tìm kiếm nấm truffle vẫn là một hoạt động bền vững và có đạo đức chứ không phải là hoạt động kinh doanh dành cho những kẻ tội phạm. Di sản văn hóa và ẩm thực này xứng đáng được bảo vệ và phát huy nhiều hơn để bảo tồn tính toàn vẹn và đảm bảo tương lai của nó".
Nguồn: CNN