Những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc vừa ngộ nghĩnh, vừa lay động lòng người của hai em bé vùng cao, cậu anh trong chiếc áo sơ mi dài tay, nắm chặt quyển sách Tiếng Việt lớp 2, chân không giày đứng trước bảng đen trường học, sau lưng là em bé khoảng 1 - 2 tuổi, tay chân lấm lem bùn đất, ngủ ngon lành sau lưng anh đã nhanh chóng nổi tiếng trên mạng. Rất nhiều trang mạng xã hội, diễn đàn đã chia sẻ bức ảnh địu em đến lớp này và thu hút được hàng nghìn sự quan tâm chia sẻ, những lời bình luận.

bức ảnh địu em đến lớp
Bức ảnh địu em đến lớp gây sốt mạng.

Những lời xót xa, thương cảm cũng như tò mò về câu chuyện của hai anh em đã được dân mạng gửi đến những fanpage đăng tải lại bức ảnh. "Hai bé thật là kiên cường. Nhìn vào mắt cậu anh, mình không thấy ở đó sự buồn bã hay ủ dột, trái lại, trong mắt em ngập tràn ý chí kiên cường và niềm say mê học tập. Chẳng biết bé bao nhiêu tuổi, nhà có xa trường không, có đông anh chị em không, tại sao bé lại phải địu em đến lớp với mình... nhưng chắc chắn, bé là một cậu bé ngoan và đầy nghị lực. Còn bé em, giấc ngủ trên vai anh mới thơm lành làm sao. Con cứ ngủ ngoan như thế nhé, để từng con chữ anh học được cũng ngấm vào con, để anh gieo trong con niềm say mê với con chữ, bất chấp cuộc đời còn nhiều vất vả..." - một dân mạng viết đầy cảm xúc như thế. Những lời chúc tốt lành dành tặng hai anh em cũng được các "cư dân" của thế giới ảo viết nên.

bức ảnh địu em đến lớp
Ánh mắt "vừa trong veo như nước suối rừng, vừa cứng cỏi như đá núi" của cậu anh - nói theo lời một dân mạng và giấc ngủ thơm lành trên lưng của bé em đã lay động trái tim hàng nghìn người.

Tò mò về câu chuyện đằng sau bức ảnh địu em đến lớp gây xúc động, nhiều dân mạng cũng "sôi sục" đi tìm nguồn gốc, tác giả đã ghi lại khoảng khắc lay động trái tim này. Thông tin được nhiều người truyền tay nhất là bức ảnh được chụp tại một trường tiểu học thuộc huyện vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An) bởi một thầy giáo trong trường. 

bức ảnh địu em đến lớp
Bức ảnh xúc động về em bé địu em đến trường cùng đi học khiến dân mạng tò mò về câu chuyện đằng sau đó.

bức ảnh địu em đến lớp
Cảm động, xót xa, khâm phục... là những cảm xúc đọng lại trong lòng người xem những bức ảnh này.

Trong khi những bức ảnh địu em đến trường cùng thông tin về "tác giả" được cho là một thầy giáo vùng cao tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An được dân mạng lan tỏa, tác giả thật của chúng đã lên tiếng "đòi bản quyền" trên trang cá nhân. Cùng với những bức ảnh đầy cảm xúc nói trên, tác giả xác nhận lại, những bức ảnh lay động trái tim này không phải được chụp tại Kỳ Sơn, mà tại một vùng cao khác cũng thuộc Nghệ An: bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.

bức ảnh địu em đến lớp
Tác giả thật của bức ảnh lên tiếng xác nhận thông tin của những bức ảnh địu em đi học.

Trò chuyện với chị Đàm Thị Lan Anh, Chủ tịch CLB từ thiện Từ Tâm (TP. Vinh), chúng tôi đã được chị chia sẻ sự thật đằng sau những bức ảnh cảm động này. Chị Lan Anh cho hay, khi bắt gặp hai anh em đáng yêu này, trái tim chị đã rung động và chẳng kịp suy nghĩ, chị đã chụp lại khoảnh khắc ngọt ngào của hai anh em. "Đó là ngày mình lên kiểm tra ngôi trường để chuẩn bị cho lễ khánh thành trường mới xây ở bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Trước đó khoảng 2 tháng, mình có lên đây làm công tác từ thiện. Chứng kiến cảnh ngôi trường cũ quá tồi tàn, mình đã đứng lên kêu gọi cộng đồng chung tay, đóng góp tiền và vật chất để xây dựng trường mới cho các bé" - chị chia sẻ trong xúc động. 

bức ảnh địu em đến lớp
Hình ảnh ngôi trường cũ, nơi cậu bé trong bức ảnh địu em đến trường theo học.

Chị Lan Anh thông tin thêm, chỉ trong vòng 2 tháng vận động và xây dựng, ngôi trường mới đã được dựng lên ở mảnh đất Huồi Mới, thay thế trường cũ. Tổng chi phí hoàn thiện và nội thất cho ngôi trường khoảng 400 triệu đồng. "Số tiền đó thực sự đáng quý, nhưng đáng trân trọng hơn cả là sức người. Bản Huồi Mới là một bản vùng cao, địa hình hiểm trở, đường đi lại khó khăn nên việc vận chuyển vật liệu chủ yếu bằng sức người, hết sức vất vả. Nhìn những mọi người gùi trên vai từng miếng tấm ốp, khiêng từng thanh gỗ lên con đường núi giữa cái nắng gay gắt, mình cũng thấy xúc động bởi tấm lòng thiện, sự chung tay của cộng đồng" - chị tâm sự. 

bức ảnh địu em đến lớp
Đường núi hiểm trở, xe cộ khó lưu thông nên hầu như vật liệu xây dựng được mang lên bằng sức người.

bức ảnh địu em đến lớp

bức ảnh địu em đến lớp
Những công nhân xây dựng phải đi bộ, khuân từng thanh xà, kèo cột lên con đường núi ngoằn nghèo.

bức ảnh địu em đến lớp

bức ảnh địu em đến lớp
Những tấm ốp (vách của ngôi trường tương lai) được cột chặt trên vai những người phu khuân vác.

Và đến ngày thành quả kêu gọi hỗ trợ cộng đồng chung tay đã thành hình, ngôi trường mới trên bản Huồi Mới được khánh thành, chị Lan Anh đã gặp được hai đứa trẻ trong bức ảnh địu em đến trường gây sốt mạng. "Hình ảnh đó đã chạm đến trái tim của mình, và có lẽ đó là lý do nó chạm đến trái tim các bạn. Ở miền xuôi, có lẽ hình ảnh này không nhiều, nhưng ở những vùng cao như Huồi Mới, nó trở thành một chuyện bình thường. Trẻ con khoảng 4 - 5 tuổi đã biết chăm em cho bố mẹ đi làm. Chúng địu em lên rẫy, lên lớp, địu em đi lấy củi, nấu cơm... Mình đi làm từ thiện nhiều, chứng kiến những hình ảnh tương tự suốt, nhưng thú thực, chưa bao giờ mình hết xúc động" - chị kể.

bức ảnh địu em đến lớp
Ngôi trường mới được hình thành sau 2 tháng.
bức ảnh địu em đến lớp
Hình ảnh đối lập sau - trước của ngôi trường trên bản Huồi Mới.

bức ảnh địu em đến lớp
Ngôi trường khang trang và sự rạng rỡ trên gương mặt bọn trẻ trong ngày khánh thành trường.

Chị cũng chia sẻ chân thành, chị chỉ biết "nhân vật" của mình đang học lớp 2 và cậu bé rất ham học, say mê cái chữ. Chị cũng chưa kịp hỏi tên và câu chuyện của em bé, "nhưng mình tin, chiếc áo sơ mi bé đang mặc là bộ đồ tươm tất nhất bé mặc để đến trường, và bé rất yêu em của mình. Những điều đó đã đủ để chúng ta thấy yêu, thấy mến bé rồi phải không nào?".

Nói về sự nhầm lẫn của dân mạng trong việc bản quyền bức ảnh địu em đến trường, chị chia sẻ: "Có lẽ thầy giáo ấy không biết về luật bản quyền, cũng  chẳng cố tình nhận vơ hình ảnh của mình chụp, mà chỉ chia sẻ lại trên trang cá nhân để kêu gọi cho một dự án từ thiện nào đó. Điều này cũng khó trách thầy, nhưng với mình, khi định kêu gọi hỗ trợ cho nơi nào, mình sẽ đến khảo sát trực tiếp, chụp ảnh thực tế và lắng nghe câu chuyện thực tế chứ không dùng ảnh minh họa hay ảnh của người khác. Còn dân mạng, có lẽ mình không nổi tiếng (cười) nên mọi người không biết mình là tác giả thật của những bức ảnh đó. Nhưng dù sao, mình cũng rất vui và bất ngờ vì mọi người quan tâm, thích thú với những hình ảnh mình chụp".

* Hình ảnh trong bài viết đều do chị Đàm Thị Lan Anh cung cấp riêng.