* Bài viết từ bố Bánh Bao - một blogger chuyên viết về giáo dục ở Trung Quốc

"Mong con trai thành rồng, mong con gái hóa phượng" là kỳ vọng tha thiết của biết bao bậc cha mẹ. Tuy nhiên, con đường trưởng thành của trẻ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, và thành tựu trong tương lai của các em cũng đầy rẫy những biến số.

Có người nói rằng: Trí thông minh của trẻ khi mới sinh ra đều xấp xỉ như nhau, nhân tài kiệt xuất là số ít, điều quan trọng nằm ở giáo dục về sau. Câu nói này thực sự đánh trúng vấn đề.

Bạn còn nhớ một tin tức thế này không? Cậu bé Vệ Đa sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo ở vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Quý Châu, Tây Nam, Trung Quốc. Quãng đường từ làng đến trường học gần 100 km, cậu phải đổi xe nhiều lần. Khi học cấp ba, cậu chỉ về nhà nửa học kỳ hoặc một học kỳ một lần.

Thế nhưng, cậu vô cùng chăm chỉ, biết nghỉ ngơi đúng lúc, ngoài giờ học còn yêu thích chơi bóng bàn, luôn giữ nếp sinh hoạt điều độ. Trong kỳ thi đại học năm 2022, cậu đạt 699 điểm, được Đại học Bắc Kinh tuyển thẳng. Gia cảnh tuy nghèo khó, nhưng giáo dục và nỗ lực có thể làm thay đổi vận mệnh của một con người.

Nhìn lại những ví dụ xung quanh mình. Tôi quen biết hai đứa trẻ, tuổi xấp xỉ nhau, đều đang học tiểu học. Một bé học rất giỏi, lúc nào cũng nằm trong top đầu mỗi kỳ thi; còn bé kia thì học lực kém hơn hẳn.

Tìm hiểu sâu mới phát hiện, đứa học giỏi kia được cha mẹ hàng ngày dành thời gian cùng học, cùng đọc sách, chú trọng rèn luyện thói quen học tập và nuôi dưỡng sở thích. Còn đứa học yếu thì cha mẹ bận rộn công việc, rất ít quan tâm đến chuyện học hành, tan học về nhà thì chủ yếu ở một mình, xem tivi hoặc chơi game.

Sự thật được tiết lộ từ một giáo viên chủ nhiệm: Nhiều đứa trẻ lớn lên

Ảnh minh hoạ

Chỉ cần trẻ bắt đầu đi mẫu giáo, vào tiểu học là đã có thể nhìn ra liệu đứa trẻ ấy có tố chất học tập hay không – hay nói đúng hơn là cha mẹ đã âm thầm bỏ bao nhiêu công sức phía sau. Giai đoạn mầm non và tiểu học chính là thời kỳ vàng để hình thành thói quen và phát triển sở thích.

Nếu cha mẹ coi trọng việc giáo dục, biết dẫn dắt và đồng hành đúng cách, trẻ sẽ có khả năng hình thành thói quen học tập tốt, cũng như dễ nảy sinh niềm yêu thích với việc học.

Vai trò cha mẹ to lớn đến thế nào?

Một giáo viên chủ nhiệm mà có lần tôi được phỏng vấn từng nói: "Những đứa trẻ lớn lên mà không có bản lĩnh gì, gia đình của các em ấy đều có một điểm chung!". Điểm chung đó là: Cha mẹ không coi trọng giáo dục, thiếu sự giao tiếp và dẫn dắt hiệu quả.

Ví dụ, có cha mẹ chỉ lo đáp ứng nhu cầu vật chất, nhưng lại lơ là đời sống tinh thần của con; có người lại quá nghiêm khắc khiến con nảy sinh tâm lý phản kháng; thậm chí có người chìm đắm vào điện thoại, TV và các hình thức giải trí khác, nhưng lại yêu cầu con mình phải chuyên tâm học hành.

Tôi nhớ có một người bà con xa, cách giáo dục con cái của họ thật sự có vấn đề. Khi con mắc lỗi ở trường, thay vì kiên nhẫn dạy bảo, họ lại mắng chửi không tiếc lời. Hậu quả là đứa trẻ ấy ngày càng phản nghịch, kết quả học tập tụt dốc không phanh. Sau này, cậu bé đó bỏ học từ rất sớm, bước vào xã hội mà không có một kỹ năng chuyên môn nào, chỉ có thể làm những công việc lao động tay chân nặng nhọc để kiếm sống.

Giáo dục con cái là một quá trình lâu dài và đầy gian nan, đòi hỏi cha mẹ phải bỏ ra rất nhiều thời gian và tâm huyết. Một đứa trẻ chăm chỉ, cố gắng thì vận may cũng không đến nỗi tệ. Nếu học không giỏi, đừng vội đổ cho con "không thông minh", đó chỉ là một cái cớ để che lấp sự lười biếng trong giáo dục. Yếu tố quyết định vẫn là giáo dục sau này.

Chúng ta không thể trông chờ hoàn toàn vào nhà trường và thầy cô. Gia đình mới chính là lớp học đầu tiên trong cuộc đời của trẻ.

Vậy cha mẹ nên làm gì?

Trước tiên, hãy làm gương cho con. Lời nói và hành động của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ. Nếu bản thân cha mẹ không yêu việc học, không siêng năng làm việc, thì làm sao có thể kỳ vọng con sẽ nghiêm túc học hành?

Tiếp theo, hãy dành thời gian bên con, quan tâm đến quá trình trưởng thành của trẻ. Tìm hiểu sở thích, động viên con phát triển thế mạnh riêng của mình.

Cuối cùng, hãy xây dựng mối quan hệ giao tiếp lành mạnh, biết tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ của trẻ, để con được lớn lên trong một môi trường gia đình ấm áp, hài hòa.

Tương lai của trẻ là một vùng trời rộng mở với vô vàn khả năng, và giáo dục trong gia đình chính là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa tương lai đó. Đừng vì điểm số hiện tại mà phủ nhận toàn bộ tiềm năng của con. Cũng đừng đẩy hết trách nhiệm cho đứa trẻ. Hãy cùng nhau nỗ lực, xây dựng một môi trường giáo dục tốt nhất để con được tỏa sáng trên hành trình đời mình.