Sự thật là, đứa trẻ nào trên đời cũng có một vết sẹo từ hành vi bạo lực của cha mẹ
Nếu nhìn vào hành trình nuôi con của mình, thì chúng ta sẽ giật mình bởi vì ai cũng đều đã từng có hành vi bạo lực với con, chỉ là chúng ta không nhận ra mà thôi!
Vụ việc bé trai 10 tuổi Trần G.K bị bố đẻ bạo hành suốt 2 năm khiến chúng ta – những người đang làm cha mẹ phẫn nộ và tự hỏi "tại sao người ta lại có thể đánh đập, hành hạ chính con đẻ của mình?", nhưng nếu nhìn vào hành trình nuôi con của mình, thì câu trả lời có thể sẽ khiến chúng ta giật mình "bởi vì, là cha mẹ, chúng ta ai cũng đều đã từng có hành vi bạo lực với con, chỉ là chúng ta không nhận ra mà thôi!".
Trước cơ quan điều tra, bố bé Trần G.K khai lý do hành hạ con là vì con nghịch quá, đi vệ sinh xong cuộn vào giấy cất vào trong tủ; mẹ kế sắc thuốc uống cháu bỏ đất vào trong… Dù đã được nhắc nhở nhiều nhưng vẫn tái diễn, do không kiềm chế được nên đã đánh con để "dạy bảo". Đánh con, chửi mắng con, quát tháo con vì mục đích "giáo dục con", đó dường như là lý do hiển nhiên để cha mẹ chúng ta cho phép mình có những hành vi bạo lực với trẻ.
Bé Trần G.K, 10 tuổi bị bố đánh đập, hành hạ dã man suốt 2 năm vì... quá nghịch ngợm. (Ảnh: Sohanews)
Một người mẹ trẻ chia sẻ trên mạng xã hội: "Hôm nay em tát con, vì con khóc lúc 11h đêm, em sợ ảnh hưởng hàng xóm, sợ người sẽ khó chịu với mình". Cô ấy đánh con vì không muốn mình bị xấu hổ và phiền toái với những người hàng xóm.
Một ông bố trợn mắt, chỉ tay vào mặt cô con gái 6 tuổi: "Câm ngay, còn đòi nữa là bố xách cổ mày về luôn nhá chứ đừng có mà tưởng còn được đứng đây mà lèo nhèo". Ông bố ấy quát con vì không đủ lời lẽ và sự kiên nhẫn để giải thích cho con hiểu đã muộn rồi nên không thể chơi thêm ở công viên được nữa.
Một bà mẹ, giữa quán phở buổi sáng đông người hầm hè với cậu con trai: "Có nhai nhanh không. Nuốt đi. Mỗi miếng phở mà cả tiếng trời không xong!", cứ vài phút một lần, bà mẹ lại rít lên như vậy trong khi cậu bé vẫn cứ bò ra bàn uể oải, mỗi lần mẹ trừng mặt lên là lại vội ôm hai tay lên miệng, úp mặt xuống bàn. Người mẹ ấy chì chiết con vì lo lắng con không ăn sẽ bị đói, sẽ bị muộn giờ đi học.
Cháu họ tôi, bao nhiêu bữa ăn trong ngày là bấy nhiêu lần bé bị mẹ tát, bóp miệng, cứ như thế suốt từ khi bé có bữa ăn dặm đầu tiên cho đến tận bây giờ khi đã 8, 9 tuổi, chỉ vì mẹ cháu xót con hay nôn chớ, sợ con không lớn được nên cứ khi nào con bé chuẩn bị có dấu hiệu là ngay lập tức chị chồm lên tát vào má, bóp miệng con và quát tháo liên tục để… con bé sợ mà quên mất việc nôn chớ.
Bạn tôi từng kể anh chị của bạn lục đục ly hôn vì ông chồng không chịu nổi cảnh con kén ăn, suốt ngày khóc quấy, vợ căng thẳng, la mắng ép uổng con. Bầu không khí căng thẳng tột độ ấy cứ quẩn quanh, váng vất hàng ngày trong mười mấy mét vuông của một căn nhà ống sống chung với bố mẹ chồng. Mỗi ngày, chúng ta căng não đối phó với bao nhiêu áp lực công việc đã đủ, về nhà lại nghe thấy tiếng trẻ con khóc (dù nó là con mình), tiếng chì chiết cáu giận, tiếng thở dài than vãn... thì người thường cũng khó mà bình thản được, vòng luẩn quẩn đó cứ thế lặp đi lặp lại mà không được giải tỏa, không có lối thoát, thì chúng phát điên là điều có thể hiểu được.
Khi chúng ta bất lực, khi chúng ta muốn trút giận, chúng ta sẽ rất dễ trút cơn cuồng nộ của mình vào CON CỦA CHÚNG TA – vì chúng là đối tượng yếu thế hoàn toàn, không có khả năng tự vệ. Điều tệ hơn cả là khi chứng kiến cha mẹ bạo lực với con cái của họ, những người xung quanh sẽ không có ai cảm thấy đủ-liên-quan để đứng ra ngăn cản, bảo vệ những đứa trẻ. Thử nghĩ xem, bao nhiêu lần chúng ta cất tiếng khi bắt gặp một ông bố, bà mẹ như trong các tình huống tôi vừa kể ở trên?
Bạo lực với trẻ, không chỉ là đòn roi, đánh đập, những hành vi bạo hành về thể chất mà còn bao gồm cả việc quát tháo, chửi mắng, đe dọa, những lời nói khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, thua kém và ám ảnh. Bạo lực tinh thần đối với trẻ còn để lại những vết sẹo hằn sâu và đau đớn hơn rất nhiều lần bạo lực thể chất.
Trong một bài báo đăng trên tờ The New York Times, một nghiên cứu xã hội đã chỉ ra rằng "Căng thẳng, mệt mỏi, vội vã là bức ảnh chân dung về các gia đình hiện đại", nhiều cha mẹ tham gia khảo sát nghiên cứu này đã thú nhận, họ đã trải qua rất nhiều áp lực khi phải chiến đấu căng thẳng với công việc, đồng thời cùng lúc với việc "lặp đi lặp lại hàng trăm những việc không tên kinh khủng khi chăm con nhỏ", sự căng thẳng đó khiến họ không thể kiểm soát những cơn tức giận và các cảm xúc tiêu cực của mình khi ở bên con.
Căng thẳng và trầm cảm được coi là một căn bệnh thời đại có sức tàn phá cực kì kinh khủng và điều nguy hiểm nhất là chính là khi những người lớn căng thẳng đó trở thành cha mẹ. Khi quá mệt mỏi và căng thẳng, bất cứ người bố, người mẹ nào cũng hoàn toàn có thể trở thành một loài thú dữ.
Chúng ta ép con ăn, nhồi nhét con ăn bằng mọi cách; chúng ta quát tháo con vì chúng chậm chạp, lề mề; chúng ta so sánh con với các bạn bè của chúng; chúng ta phạt đòn con vì… chúng không nghe lời, chúng ta bạt tai con vì chúng lỡ làm chúng ta mất mặt giữa chỗ đông người.... Hãy thử thẳng thắn nhìn lại chặng đường nuôi dạy con đã qua của mình, liệu có bố mẹ nào chắc chắn rằng, mình chưa từng một lần dùng bạo lực với con?
Nhịp sống gấp gáp, công việc bận rộn, tham vọng làm giàu, khát khao thăng tiến… tất cả những mục tiêu đó rút cạn của chúng ta năng lượng, niềm vui và đặc biệt là thời gian và sự kiên nhẫn mà chúng ta cần để thư giãn và bình tĩnh nuôi dạy con, đó có phải là lý do khiến chúng ta dù ý thức được, nhưng vẫn phải chấp nhận rằng, nhiều hơn 1 lần, mình đã để để lại trong tâm hồn và trên cơ thể con một vết sẹo từ hành vi bạo lực của mình?
Hay là còn vì yêu thương một đứa trẻ cực nhọc và tốn thời gian hơn rất nhiều lần việc buông lời mắng chửi hay vung tay bạt tai và vụt roi đánh đòn một đứa trẻ?