"Nếu con bạn biết sử dụng thành thạo iPad, chúng nên biết cách sử dụng nhà vệ sinh".
Đó là lời phàn nàn của các giáo viên ở Thụy Sĩ về việc có quá nhiều học sinh trong lớp mặc bỉm đi học vì chúng chưa biết cách tự đi vệ sinh.
Điều đáng nói là, những đứa trẻ ấy không phải ở lớp mẫu giáo, chúng đã học tiểu học!
Cô Dagmar Rösler, người đứng đầu Liên đoàn Giáo viên Thụy Sĩ nói với tờ báo 20 Minuten: "Trẻ em hiện nay bắt đầu đi học từ 4 tuổi, vì vậy không lạ khi còn có một vài em đóng bỉm. Nhưng những đứa trẻ 11 tuổi vẫn mặc tã đến trường thì đó là một xu hướng đáng lo ngại".
Nhiều đứa trẻ đã quá quen với việc mặc bỉm đến nỗi chúng không còn muốn từ bỏ phương pháp tiện lợi nhưng không hợp vệ sinh này. Theo Mayo Clinic, độ tuổi trung bình để tập ngồi bô cho trẻ là từ 18 tháng đến 24 tháng, nhưng nhiều bậc cha mẹ dường như đang né tránh việc rèn luyện cho con.
Nhà khoa học giáo dục Margrit Stamm cho biết ngày nay việc để trẻ dùng bỉm không được coi là một vấn đề. Ông nói: “Một số cha mẹ đã bỏ qua việc luyện cho con dùng nhà vệ sinh vì tã là một giải pháp tiện lợi. Điều đó hoàn toàn sai".
Chuyên gia phát triển trẻ em Rita Messmer nói với tờ báo Thụy Sĩ Sonntagszeitung rằng số lượng trẻ em mặc tã ở trường đã “tăng vọt”, đồng thời tiết lộ rằng bà từng gặp một bệnh nhân 11 tuổi vẫn không được dạy cách tự sử dụng nhà vệ sinh.
Việc các em thiếu kiến thức trong việc vệ sinh cá nhân đã trở thành gánh nặng cho nhiều giáo viên khi vừa phải dạy học vừa phải... thay bỉm cho các con.
“Các bậc cha mẹ có trách nhiệm đảm bảo rằng những đứa con trong độ tuổi đi học của họ không phải mặc tã nữa. Giáo viên không phải ở đó chỉ để thay tã cho học sinh. Như vậy là vượt quá giới hạn", cô Rösler nói.
Theo nhiều nguồn tin, có những học sinh 11 tuổi đến trường vẫn mặc bỉm và giáo viên phải lau chùi và thay tã cho các em nếu cần thiết. Rõ ràng, vấn đề đã trở nên phổ biến đến mức một hiệu trưởng ở bang phía Bắc Aargau (Thụy Sĩ) đang tổ chức các sự kiện để thông báo cho phụ huynh rằng trẻ em phải hoàn toàn "khô ráo" khi trở lại trường sau kỳ nghỉ hè. Trong khi đó, một trường khác phát tờ rơi thông báo cho phụ huynh rằng giáo viên không có trách nhiệm phải thay bỉm cho học sinh.
Cô Rösler chỉ ra tầm quan trọng của việc phân biệt giữa trẻ có vấn đề về thể chất và trẻ bị ảnh hưởng bởi sang chấn tâm lý hoặc do cha mẹ bỏ bê, đồng thời nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong việc giảm thiểu những vấn đề đó. Cha mẹ không bao giờ nên đổ lỗi cho trẻ mà thay vào đó, giáo viên hãy chủ động liên hệ với phụ huynh, giải thích tình hình và buộc họ phải chịu trách nhiệm.
Nhà trị liệu tâm lý người Thụy Sĩ, Felix Hof, nhớ lại một cậu bé đến phòng khám của ông và vẫn phải đóng bỉm khi đã 7 tuổi. Nguyên nhân là do chấn thương do mâu thuẫn gia đình gây ra. Ông cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ như vậy thường bị bạn bè bắt nạt hoặc trêu chọc, đặc biệt là sau khi hoàn cảnh của chúng bị lan truyền ở trường học. Các lớp thể dục hoặc bơi lội là 2 nơi mà những đứa trẻ không thể che giấu được việc mình phải mặc tã.
Theo một bài báo trên SonntagsZeitung, ngày càng có nhiều phụ huynh có con học tiểu học đăng quảng cáo tuyển nhân viên thay tã. Và, sự gia tăng doanh số bán tã cỡ lớn ở Thụy Sĩ là một dấu hiệu đáng lo ngại khác.
Nhà giáo dục Margrit Stamm cảnh báo: “Tã ngày càng trở nên thoải mái hơn và có thể mặc như quần lót bình thường, đây là cách trẻ em thích nghi với tã".
Không phải chỉ có ở Thụy Sĩ
Trong khi vấn đề đang trở nên cấp bách ở Thụy Sĩ, một vài báo cáo từ Buffalo, New York (Mỹ) cũng cho biết rằng các bậc cha mẹ ở đó đã không dạy con cái họ cách sử dụng nhà vệ sinh.
“Các trợ lý giáo viên ở đây nói rằng họ không có trách nhiệm thay tã”, Phil Rumore, chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Buffalo, nói với kênh truyền hình WBUR vào năm 2019.
Giáo viên đã mất kiên nhẫn đối với những chiếc tã bẩn và các bậc cha mẹ không hề sẵn lòng dạy dỗ con cái của họ.
Rumore nói: “Không có chính sách hoặc quy trình cụ thể nào được áp dụng để huấn luyện những đứa trẻ ngồi bô hoặc vệ sinh. Giáo viên không thể làm điều đó bởi vì nó làm xáo trộn lớp học”.
Liên đoàn Giáo viên Buffalo báo cáo 43 trẻ em không được huấn luyện ngồi bô một cách hiệu quả, dẫn đến chúng tè dầm và bị bạn cùng lớp trêu chọc. “Tôi không đổ lỗi hoàn toàn cho các bậc cha mẹ… bởi vì trong một số trường hợp, đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, hoặc gặp vấn đề về cảm xúc hoặc thể chất”, Rumore nói thêm. "Một số trẻ mắc các bệnh lý khiến chúng khó kiểm soát việc đại tiện, điều này có thể dẫn đến việc sử dụng tã".
Các chuyên gia từ Parent.com khuyến khích các gia đình để ý các dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng sử dụng nhà vệ sinh. Những dấu hiệu có thể là mong muốn được mặc đồ lót cỡ rộng hơn, khi nào tã bị bẩn và có biểu hiện trên khuôn mặt lúc cần đi vệ sinh.
Một bà mẹ trên TikTok đã nhận thấy những dấu hiệu đó từ rất sớm. Cô cho biết mình đã tập ngồi bô cho con trai từ khi 6 tháng tuổi.
“Lần đầu tiên, Squilly cho tôi biết rằng thằng bé phải đi vệ sinh khi chúng tôi đang ở chỗ bác sĩ!”, người mẹ chú thích cho video. “Thằng bé ra dấu bằng ngôn ngữ ký hiệu hoặc càu nhàu để cho tôi biết khi nào nó phải đi vệ sinh!”.