Không phải hình dáng bụng bầu tiết lộ giới tính em bé
Quan niệm cổ xưa nhất cho rằng người phụ nữ có bụng bầu gọn gàng, nằm cao sẽ sinh con trai, trong khi bụng bầu nằm thấp sẽ sinh con gái. Sự thật, hình dáng vùng ngực mới là chỉ báo chính xác hơn nhiều.
Bà mẹ mang bầu bé gái thường có ngực lớn hơn trong thai kỳ so với chị em mang bầu con trai (trung bình vùng ngực tăng 8 cm so với chỉ 6,3 cm ở phụ nữ mang bầu con trai).
Bào thai là nam sản sinh nhiều testosterone hơn và khiến người mẹ tổn hao nhiều năng lượng hơn - vì chúng sẽ lớn hơn - và tình trạng này làm kìm hãm sự nở ra của bầu ngực.
Ảnh: telegraph.co.uk.
Ốm nghén là dấu hiệu tốt
Một trong những điều ngược đời của thai kỳ là những đồ ăn vô tích sự lại hấp dẫn trong khi những thực phẩm hữu ích lại gây nôn mửa.
Điều này chẳng gợi nên điều gì, cho đến khi chúng ta biết rằng những thực phẩm tốt, bổ có thể tấn công bào thai. Thịt có thể chứa vi khuẩn và virus. Pho mát có thể là nơi ẩn nấp của vi khuẩn và nấm. Rau xanh có thể mang vi khuẩn. Và những thực phẩm này thường khiến cho bà bầu phát hoảng.
Gần 1/3 trong số họ không thể tiêu hóa nổi những món ăn này.
Khi trưởng thành và có hệ miễn dịch hoàn chỉnh, bạn có thể chịu đựng được một chút xíu chất độc hại. Nhưng bào thai thì không có khả năng đó, và nó cần được bảo vệ. Và cách tốt nhất tiến hóa có thể bảo vệ bào thai là hạn chế sự tiếp xúc của mẹ với chất độc, bằng cách khiến cô ấy buồn nôn, nôn, ác cảm với thức ăn và mùi vị.
Đây là giả thuyết bảo vệ phôi - một lý giải quen thuộc nhất cho việc tại sao có quá nhiều bà bầu - 75% - buồn nôn và nôn trong 3 tháng đầu thai nghén.
Đáng ngạc nhiên là, phụ nữ sống trong xã hội tiêu thụ nhiều ngô thì ít ốm nghén hơn nhiều. Phát hiện cho thấy ngô có hàm lượng độc tố tự nhiên thấp hơn đáng kể.
Trong khi đó, Nhật Bản - quốc gia tiêu thụ nhiều hải sản - nhóm thực phẩm có nguy cơ độc tố cao - thì đồng thời có tỷ lệ ốm nghén cao nhất thế giới.
Mẹ ốm nghén, con thích ăn mặn
Những bà mẹ ốm nghén từ mức vừa đến nặng thường sinh ra những đứa trẻ thích ăn mặn. Một lý giải là khi nôn mửa, người mẹ mất nhiều dịch và muối khoáng, tình trạng này thường xuyên khiến em bé được lập trình phải ăn bù thêm lượng muối đã mất.
Đàn ông có anh em trai có xu hướng sinh nhiều con trai
Đó không chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên - nhiều ông bố mang một gene quyết định giới tính của em bé. Corry Gellatly, từ Đại học Newcastle, đã phân tích 927 cây gia đình với trên hơn nửa triệu người kể từ thời Shakespeare. Ông đưa ra một số liệu ấn tượng: đàn ông có nhiều anh em trai có xu hướng có con trai, trong khi nam giới có nhiều chị em gái có xu hướng sinh con gái.
Xu hướng này tìm thấy ở nam chứ không ở nữ. Nghĩa là gia đình bên mẹ có bao nhiêu con trai đều không góp phần vào việc này. Chỉ số lượng nam giới bên gia đình người bố là có tính quyết định.
Chuyển dạ thường xảy ra vào sáng sớm
Tại sao có nhiều nghiên cứu cùng cho thấy việc chuyển dạ của bà bầu thường bắt đầu từ nửa đêm đến 4 giờ sáng?
Trong số các hoóc môn đạt đỉnh lúc nửa đêm có estriol và oxytocin - hai chất mà trong thai kỳ sẽ khiến tử cung co bóp và cổ tử cung bắt đầu mở ra.
Các nhà tâm lý học tiến hóa cho rằng đó là vì ban đêm là lúc con người được an toàn, yên tĩnh nhất và ít bị phân tâm nhất.
Đừng để bé tách khỏi mẹ trong những giờ đầu tiên
Trong nhiều bệnh viện hiện đại, các em bé sơ sinh bị cách ly khỏi mẹ ngay sau khi chào đời, để tắm, cân và lấy dấu chân. Tuy nhiên, hàng chục nghiên cứu quy mô lớn đã chỉ ra rằng khoảng thời gian đầu đời là cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của bé, vun đắp tình cảm và mối quan hệ với người mẹ. Chỉ vài phút sau sinh, bé đã có thể nhận ra mùi của mẹ mình. Và bé sẽ gắn bó với người đầu tiên mà bé ngửi thấy. Ngoài ra, những giờ đầu tiên tếp xúc với bé sẽ giúp người mẹ tiết ra sữa tốt hơn, và bạn có cơ hội cho bé bú mẹ ngay lập tức cao gấp 8 lần những bà mẹ không ở cạnh con.
Mẹ thích chocolate sinh ra những em bé ngọt ngào
Nghiên cứu trên hơn 300 bà mẹ mới sinh đã tìm thấy những người ăn chocolate hàng ngày thì sinh ra những em bé cởi mở hơn, ít sợ hãi, ít thất vọng và dịu dàng hơn những bạn cùng lứa ra đời từ những bà mẹ ít hoặc chẳng bao giờ ăn chocolate khi mang thai.
Một lý do hiển nhiên là chocolate giải phóng endorphin hưng phấn trong não, vì thế bà bầu ít cảm thấy stress hơn, và có thể ảnh hưởng lâu dài đến thai nhi.
Đàn ông thực sự là con trai của mẹ
Các cặp vợ chồng thường thích thú với việc đoán xem em bé sẽ giống tính ai. Nhưng với con trai, sinh học có thể dàn xếp cho cuộc tranh luận này - vì các bé trai hưởng phần gene của mẹ nhiều hơn là phần gene của bố.
Đó là vì con gái có hai nhiễm sắc thể X - một từ bố và một từ mẹ, trong khi con trai nhận X từ mẹ và Y từ bố. Nhiễm sắc thể X có nhiều gene hơn nhiễm sắc thể Y, và cũng lớn hơn nhiều.
Vì thế, trong khi các bé gái nhận được sự phân bố gene khá đồng đều từ hai bố mẹ, thì về mặt tỷ lệ, cậu con trai có mối quan hệ gene chặt chẽ với mẹ hơn con gái. Sự phân bố nhiễm sắc thể cũng lý giải tại sao đàn ông dễ mắc một bệnh nào đó giống với mẹ mình. 1/5 số dị tật ở não có liên quan đến đột biến ở các gene trên nhiễm sắc thể X.
Các bé gái có hai nhiễm sắc thể X, nếu một trong hai bị khiếm khuyết, nhiễm sắc thể còn lại sẽ chi phối, nhưng bé trai chỉ có một nhiễm sắc thể X, và cậu sẽ không an toàn nếu có gì đó thiếu sót trên chữ X ấy.
Cơn đau sinh nở không quá ghê gớm
Chân lý hầu như ai cũng biết là phụ nữ sẽ nhanh chóng quên cơn đau chuyển dạ - nhưng điều này không đúng với tất cả mọi người.
Ulla Waldenstrom, giáo sư về sản khoa tại Viện Karolinska (Thụy Điển) đã hỏi thăm gần 1.400 phụ nữ sinh con trong 2 tháng trước đó. Những người này đánh giá mức độ đau khi sinh nở theo thang điểm 1 đến 7.
Câu hỏi được lặp lại 5 năm sau đó. Khoảng một nửa số phụ nữ đã quên cơn đau. Nhưng khoảng 1/3 nhớ lại kinh nghiệm khi đẻ giống như họ đánh giá 5 năm trước, và khoảng 15% nhớ lại ở mức đau đớn hơn. Những người ở nhóm sau này thường chưa có con thứ hai.
Bài học là: Chúng ta dễ quên đi cơn đau sinh nở nếu trải qua thời kỳ đó một cách tích cực.
Sự thật về các ông bố ốm nghén
Hầu hết những người đàn ông sắp làm bố đều phải vật lộn với ít nhất một trong các triệu chứng của bạn đời: tâm trạng thất thường, buồn nôn, mệt mỏi, thèm ăn, ghê mùi và tăng cân.
Khoa học hiện đại phát hiện nó liên quan tới prolactin, một hoóc môn có liên hệ với thai kỳ. Prolactin có mặt ở cả hai giới, nhưng thường tăng cao ở phụ nữ có thai - khiến sữa tiết ra, làm chậm sự trao đổi chất, kết quả là gây tăng cân, cảm giác mạnh hơn...
Nhà tâm lý học người Canada Anne Storey và chuyên gia Katherine Wynne-Edwards đã cho thấy prolactin cũng tăng cao hơn ở các ông bố tương lai. Sự gia tăng này được cho là phản ứng lại trước việc nhìn và ở cạnh vợ mang bầu.