Chốn công sở, hẳn là các chị em không xa lạ gì với những đồng nghiệp hay check in làm tăng ca, thức đêm thức hôm hoàn thành công việc. Và bạn sẽ nghĩ sếp nhìn thấy những điều ấy thì vô cùng tự hào và cảm kích, quý mến họ. Nhưng sự thật là chưa chắc đâu nhé!

Cùng nhìn thẳng vào một sự thật: Điều sếp quan tâm duy nhất là lợi nhuận của công ty có tăng không, chứ chẳng phải việc bạn chăm chỉ đến nhường nào!

Chăm chỉ và cống hiến hết mình vì công việc, đó là đức tính mà bất cứ một nhân viên nào cũng phải có khi gắn bó với doanh nghiệp. Nếu bạn không mẫn cán, thì bạn có giá trị gì để công ty phải trả lương?

Sự thật bẽ bàng: Sếp không quan tâm bạn chăm chỉ ra sao mà họ muốn biết bạn cống hiến cho công ty được như thế nào! - Ảnh 1.

Đừng bao giờ cố chứng minh rằng mình chăm chỉ hơn người khác. Không có một phép so sánh nào thực sự đúng cho những kiểu cần mẫn. Bạn không thể nói "Tôi làm nhiều giờ hơn người này, thì tức là tôi chăm chỉ hơn họ". Chăm chỉ, là việc bạn cố gắng tận cùng sức lực để hoàn thành hết những công việc được giao. Chứ chăm chỉ không phải là thước đo của thời gian trong khi bạn chẳng làm việc gì nên hồn.

Hãy đặt ra một câu hỏi với chính bản thân mình: Bạn chăm chỉ là để phấn đấu nâng cao giá trị thặng dư cho toàn công ty, hay chỉ để chứng minh với sếp và ảo tưởng rằng họ sẽ động lòng?

Một công ty nọ có ba nhân viên Minh, Tùng và Hà. Mức lương của Minh là 0,5X, mức lương của Tùng là 2X và mức lương của Hà là 1,5X.

Sở dĩ Tùng sở hữu mức lương cao gấp đôi người bình thường, trong khi anh này đi làm muộn về sớm, là bởi anh ta thực sự có chuyên môn để xử lý mọi việc rất nhanh chóng. Hơn 10 năm kinh nghiệm đã cho anh những giá trị mà người khác không có, để mỗi khi sếp cần, anh ta đáp ứng được ngay.

Mặt khác, lý do mà Hà có mức lương nhỏ hơn Tùng một chút, dù cô này đến công ty hay phấn son, trà sữa, điệu đà lướt Facebook suốt ngày, là bởi cô Hà sở hữu rất nhiều mối quan hệ chất lượng. Bạn trai Hà là đối tác của công ty, bố của Hà là nhà tài trợ cho nhiều sự kiện của doanh nghiệp và chị gái của Hà thì làm kế toán giải quyết những vấn đề thuế lằng nhằng phức tạp cho công ty.

Sự thật bẽ bàng: Sếp không quan tâm bạn chăm chỉ ra sao mà họ muốn biết bạn cống hiến cho công ty được như thế nào! - Ảnh 2.

Ngược lại với hai trường hợp trên là Minh. Minh đi làm sớm, cấp trên bảo gì Minh cũng làm, cậu ở lại công ty đến 8,9 giờ tối. Sau khi về nhà, cậu lại đăng một trạng thái để chứng tỏ cho sự chăm chỉ ấy. Nhưng làm quanh năm đoạn tháng, Minh chẳng hề được tăng lương, thậm chí đã có những lúc sếp nói bóng gió muốn đuổi việc cậu. Lý do thì đơn giản thôi, Minh làm việc chậm chạp, không đem lại nhiều giá trị cho công ty. Thậm chí ngay cả việc cậu ở lại công ty thì sếp cũng không ưng vì cậu dùng điện, nước nhiều hơn.

Vậy đó, trong khi hai người Hà và Tùng chẳng cần khoa trương đao to búa lớn gì nhiều, thì họ vẫn có mức lương và độ tín nhiệm cao trong mắt sếp hơn là Minh.

Vậy thì việc Minh chứng tỏ mình chăm chỉ trong mắt sếp có nghĩa lý gì cơ chứ? Thay vào đó, có lẽ cậu nên gạt hết những xao nhãng và tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ đi thì hơn! Chừng nào còn chưa đem lại giá trị tích cực đối với doanh nghiệp, thì chừng ấy Minh sẽ vẫn không được trọng dụng và thăng tiến!

Sự thật bẽ bàng: Sếp không quan tâm bạn chăm chỉ ra sao mà họ muốn biết bạn cống hiến cho công ty được như thế nào! - Ảnh 3.

Bỏ ngay cái tật cố "sống ảo" và khoe mẽ với sếp một cách sáo rỗng nhé, bắt tay vào làm việc thôi nào!