Nếu là một khán giả trung thành loạt phim hoạt hình của hãng Ghibli Studio, chắc chắn mọi người sẽ biết bộ phim My Neighbor Totoro (Hàng xóm tôi là Totoro) được ra mắt vào năm 1988 đã từng nổi tiếng và ấn tượng như thế nào trong mắt trẻ con.
Đây là một bộ phim hoạt hình kể về một vị thần rừng, hay nói cách khác đó là một chú mèo mũm mĩm luôn theo dõi hai chị em trong phim là Satsuki và Mei. Thần rừng này được hai chị em đặt tên là Totoro. Khi ở trong rừng, Totoro đã chơi đùa cùng chị em, lúc trời mưa, Totoro còn cho người chị Satsuki mượn chiếc dù. Mỗi khi hai chị em gặp chuyện buồn, Totoro đều xuất hiện giúp đỡ và an ủi.
Trong phim, Totoro được biết đến là một vị thần bảo hộ khu rừng, sẵn sàng xuất hiện giúp đỡ hai chị em Satsuki và Mei, nhưng theo thuyết âm mưu của một số khán giả thì chú mèo đáng yêu này thực chất là thần chết. Totoro sẽ xuất hiện và đưa linh hồn của người chết về nơi an nghỉ cuối cùng. Ngỡ là một bộ phim đáng yêu dành cho thiếu nhi, nhưng hóa ra những người hâm mộ đã kịp phát hiện, đưa ra suy đoán rằng cốt truyện và tình tiết trong phim rất giống với một vụ án giết người kinh hoàng xảy ra vào năm 1963 ở Nhật Bản.
Ngày 1/5/1963, tại thành phố Sayama thuộc quận Saitama, Nhật Bản, có một cô bé 16 tuổi tên Yoshie Nakata bị bắt cóc trên đường về nhà. Đêm hôm đó, gia đình nhận được lá thư tống tiền đòi tiền chuộc là 200.000 yên (hơn 42 triệu đồng) đến điểm hẹn để đổi lấy người. Ngày hôm sau, chị của Yoshie đã đem tiền giả đến chỗ hẹn, lúc này cảnh sát cũng đã huy động lực lượng mai phục.
Tuy nhiên, khi tiến hành giao dịch, kẻ thủ ác đã sinh nghi và tháo chạy nhanh chóng, cảnh sát cũng đã bỏ mất cơ hội vây bắt. Ba ngày sau, cảnh sát nhận được tin báo tìm thấy thi thể của Yoshie. Theo điều tra cho biết, cô bé đã bị cưỡng hiếp và giết chết. Bi kịch tiếp diễn sau đó là người chị gái tự trách bản thân vì phá hỏng kế hoạch của cảnh sát nên đã tự vẫn.
Những người đặt ra thuyết âm mưu này đã chỉ ra điểm tương đồng trong bộ phim với vụ án Sayama để chứng minh suy nghĩ của họ là đúng. Đầu tiên, tên của chị gái trong phim là Satsuki, có nghĩa là tháng 5 và tên của em gái là Mei, đây là phiên âm của tháng 5 (May) trong tiếng Anh. Tháng 5 là tháng xảy ra vụ án kinh hoàng này.
Tiếp theo, họ chỉ ra bối cảnh của ngôi làng trong phim Totoro là từ thành phố Tokorozawa, nằm cạnh thành phố Sayama - nơi vụ án mạng xảy ra. Tại một phân cảnh trong phim, hình ảnh cụ bà đang cùng Satsuki và Mei giở đồ, người ta phát hiện chiếc thùng phía sau có dán mẩu giấy với dòng chữ “Sayama tea” bằng tiếng Nhật. Theo thông tin được biết, địa điểm mà chị gái Yoshie đưa tiền chuộc cho kẻ thủ ác là tại ruộng trà gần nhà cô.
Totoro chính là thần chết?
Ở đầu phim, nhiều khán giả tinh ý nhận ra chỉ có một mình Mei nhìn thấy được Totoro. Theo quan điểm của họ, Mei nhìn thấy được Totoro vì cô bé sắp chết. Sau đó, chị gái Satsuki cũng nhìn thấy Totoro vì lúc này cô bé cũng có ý định tự tử sau khi biết được Mei đã bị chết đuối, còn mình lại không thể bảo vệ được em. Chi tiết này rất giống với vụ án mạng ở Sayama.
Ngoài ra, còn có một chi tiết khi xe buýt mèo xuất hiện, nhiều người đã nhìn thấy phía trên đầu xe là dòng chữ “Grave Road” được viết theo bộ chữ Kanji. Grave Road được hiểu là con đường đi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Bên cạnh đó, trong một phân cảnh khi Satsuki tìm thấy Mei đang ngồi bên 6 pho tượng jizo, nhiều người phát hiện rằng, lúc này Mei đã chết. Những pho tượng này rất phổ biến ở Nhật Bản, thường đặt tại nghĩa trang. Người ta tin rằng pho tượng jizo là những vị thần bảo vệ cho trẻ em.
Cuối cùng là chi tiết cuối của phim khi người mẹ bệnh tật của hai đứa trẻ nhìn thấy các con bên ngoài cửa sổ phòng bệnh. Theo thuyết âm mưu, lúc này người mẹ cũng đã đến lúc gần đất xa trời nên mới nhìn thấy được các con của mình.
Đối với những đứa trẻ từng xem phim này, chúng chỉ biết rằng Totoro là linh vật đáng yêu, mũm mĩm, luôn bên cạnh bảo vệ những đứa trẻ. Nhưng theo những giả thuyết được đưa ra phía trên, Totoro đích thực là thần chết. Đó là lý do tại sao, trong phim một cậu bé hàng xóm không thể thấy Totoro mà chỉ có Satsuki và Mei mới có thể thấy được.
Năm 2015, Toshio Suzuki, một nhà sản xuất phim của Ghibli Studio đã lên tiếng gạt bỏ những giả thuyết không hay liên quan đến bộ phim này. Nội dung được chia sẻ như sau: “Mọi người hãy suy nghĩ đơn giản nào. Giả thuyết về việc Totoro là thần chết và việc Mei đã chết là những lời đồn đoán không đúng sự thật”.
Bên cạnh đó, có những bình luận khác liên quan đến việc ở cuối phim Satsuki và Mei không có bóng và họ không còn sống nữa. Với chi tiết này, nhà sản xuất cũng nói thêm: "Việc Satsuki và Mei không có bóng trong phân cảnh cuối cùng vì đơn giản chúng tôi thấy không cần thiết nên quyết định lược bỏ trong quá trình sản xuất bộ phim”.
Sau tất cả, những thuyết âm mưu được đặt ra cũng chỉ là trí tưởng tượng của những người hâm mộ. Đạo diễn Hayao Miyazaki chưa bao giờ lên tiếng về những tin đồn này.
(Nguồn: Nextshark)