Hôm Chủ nhật (10/3) vừa qua, một chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không quốc gia Ethiopian Airlines đã bị rơi chỉ 6 phút sau khi cất cánh, khiến toàn bộ 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Các lực lượng chức năng cùng các bên liên quan đã gấp rút tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ rơi máy bay tại Ethiopia.
Một điểm đáng chú ý là vụ tai nạn trên có rất nhiều điểm tương đồng với thảm kịch xảy ra với chiếc máy bay Boeing 737 mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Indonesia Lion Air hồi tháng 10/2018, khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.
Sau hai thảm kịch máy bay kinh hoàng kể trên. Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đã đình chỉ dòng máy bay 737 MAX 8 của hãng Boeing.
Bên cạnh đó, kể từ Chủ nhật tuần trước, rất nhiều hình ảnh và video cùng chú thích là "hình ảnh từ trên máy bay" hay "hình ảnh kinh hoàng về vụ nổ" đã được lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter.
Trong đó, rất nhiều tài khoản Facebook tại Việt Nam cũng đã chia sẻ một trong số những đoạn video có hình ảnh "gây sốc", "không dành cho người yếu tim" ấy và cho đó là hình ảnh ghi lại từ vụ tai nạn hôm 10/3. Sau đây là đoạn clip được rất nhiều người quan tâm trong những ngày này:
Bản gốc của đoạn video được lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội sau khi xảy ra vụ tai nạn máy bay thảm khốc tại Ethiopia hôm 10/3
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, chúng tôi có thể khẳng định rằng đoạn clip trên hoàn toàn không phải là hình ảnh ghi lại từ vụ tai nạn thảm khốc hôm 10/3. Có thể thấy rõ hình ảnh trong đoạn clip là lúc sáng sớm hoặc chập tối, không trùng khớp với thời gian (8h44' sáng theo giờ địa phương) và địa điểm xảy ra vụ tai nạn máy bay Ethiopia ngày 10/3.
Thực tế, đó là vụ rơi máy bay vận tải của Mỹ tại Afghanistan, khiến 7 người thiệt mạng vào năm 2013.
Ngày 29/4/2013, chiếc máy bay vận tải Boeing 747 mang số hiệu N949CA của hãng vận tải hàng không tư nhân National Air Cargo đã bị rơi ở quận Bagram, tỉnh Parwan, Afghanistan, trong hành trình từ sân bay Bagram tới Dubai.
Vào thời điểm gặp nạn, chiếc máy bay này đang chở gần 80 tấn khí tài quân sự, trong đó có 3 chiếc xe bọc thép và 2 xe dò mìn. Chiếc Boeing 747 đã chao nghiêng và rơi xuống mặt đất, tạo tạo ra một quả cầu lửa kinh hoàng trên cánh đồng ở Afghanistan.
Tương tự như đoạn clip trên, rất nhiều hình ảnh và video gắn mác "tai nạn máy bay tại Ethiopia" đã được chia sẻ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là những hình ảnh và video cũ, hoặc tệ hơn là các đoạn video mô phỏng. Những người khởi xướng việc chia sẻ các thông tin giả này đã đánh vào tâm lý hiếu kỳ của dư luận nhằm thu hút sự chú ý, câu view...
Đoạn clip được cho là hình ảnh "từ trong buồng lái" của chiếc máy bay vừa gặp nạn hôm 10/3 thực chất là một video mô phỏng. Nguồn: Twitter.
Hình ảnh được cho là "từ hiện trường", nhưng thực chất là từ vụ tai nạn máy bay tại Colombia hôm 9/3. Nguồn: Twitter.