Hội Thánh Đức Chúa Trời trong một buổi hành lễ.
Theo ông Đồng, họ cũng đưa ra một số giáo lý gần giống như giáo lý Tin Lành, khiến nhiều người nhầm lẫn đây là một điểm nhóm Tin Lành chính thống, hay một số nhóm “Hội thánh Đức Chúa Trời” của một số giáo phái đã được cấp chứng nhận hoạt động.
Bên cạnh đó, ông Đồng khẳng định, giáo lý Tin Lành dù kêu gọi hiến dâng 1/10 tiền lương, lợi tức trong công việc cho Chúa nhưng là hình thức tự nguyện chứ không ép buộc. Việc thu chi tài chính trong các Hội thánh Tin Lành đều có thủ quỹ, báo cáo thu chi rõ ràng. Giáo lý Tin Lành cũng không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng trong 10 điều răn của Chúa đã dạy là phải “Thảo kính cha mẹ”.
Còn theo linh mục Joseph Nam Ngọc, năm 2001, giáo phái trên được du nhập vào Việt Nam. Trong Đại hội ngày 2/6/1985, tại Seoul, nhóm này đưa ra 3 quan điểm mới. Thứ nhất, Ahn Sahng-hong phải được nhìn nhận là Chúa Kitô xuống thế lần thứ hai. Xa hơn, Ahn Sahng-hong phải được xem là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thứ hai, bà Jang Gil-ja được gọi là Đức Chúa Trời Mẹ, tức là hình ảnh phụ nữ của Đức Chúa Trời. Thứ ba, các kinh nguyện kêu cầu cùng Thiên Chúa phải được sửa lại để kêu cầu cùng Ahn Sahng-hong.
Linh mục Nam Ngọc nói, hiện Giáo hội Công giáo chưa lên tiếng về việc này. Tuy nhiên, việc tôn phong người phàm lên hàng thần thánh đã bị Hội Đồng Quốc Gia Các Giáo Hội Kitô Hàn Quốc lên án mạnh mẽ coi giáo phái này là một tà giáo phạm thượng, phản nghịch cùng Thiên Chúa. Theo linh mục Nam Ngọc, giáo phái này không liên quan đến đạo Kitô giáo và không chịu sự điều hành của Giáo hội Công giáo.