Đinh lăng được dân gian ưu ái đặt cho cái tên "nhân sâm của người nghèo" vì những tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của nó. Cây đinh lăng có thể sử dụng cả lá lẫn rễ để chữa các bệnh như ho, tắc tia sữa, làm lợi sữa, chữa kiết lỵ… Tuy nhiên trong đó, rễ đinh lăng được người Việt ưu ái và tin tưởng hơn cả.

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong Đông y, rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng , tính mát. Tác dụng là thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, dẻo dai, tăng cường sức chịu đựng.

Sự thật về loại “nhân sâm của người nghèo”, trị bách bệnh đang được người Việt săn đón nhiều nhất - Ảnh 1.

Đặc biệt, rễ đinh lăng có chứa saponin có tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1. Ngoài ra, rễ còn có 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, nhờ thế mà đinh lăng giúp tăng trí nhớ, tăng sức đề kháng.

Một số bài thuốc quý về rễ đinh lăng mà lương y Sáng chỉ ra như sau:

- Bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực: Sử dụng vỏ rễ củ đinh lăng lượng đủ dùng đem ngâm rượu uống.

- Tiêu thực, kích thích tiêu hóa: Dùng 10g vỏ rễ đinh lăng đem đun cùng 200ml nước sạch. Đến khi lửa còn 150ml thì chia làm 2-3 lần uống trong ngày.

- Lợi sữa sau sinh: Chuẩn bị 20g vỏ rễ củ đinh lăng, 3 lát gừng. Bạn đổ 500ml nước sắc đến khi còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng, dùng liền 5 ngày.

- Phòng chống đau dạ con đối với phụ nữ sau sinh: Dùng lượng rễ (bỏ lõi), cành, lá sao đủ dùng đem sắc uống thay trà.

- Chữa ho, hen suyễn:

Chuẩn bị: 10g rễ đinh lăng, 8g bách bộ, 9g vỏ rễ dâu, 6g xương bồ, 8g nghệ vàng, 8g đậu săn, 8g rau tần dày lá, 4g gừng khô.

Cách dùng: Đổ 800ml nước sắc còn 300ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng. Mỗi liệu trình 10 ngày.

Hỗ trợ điều trị phong thấp:

Chuẩn bị: 20g rễ đinh lăng bỏ lõi, 8g rễ cỏ xước, 8g thiên niên kiện, 8g hà thủ ô chế, 4g trần bì, 8g cối xay, 8g huyến rồng, 4g quế chi.

Cách dùng: Đổ 800ml nước sắc còn 300ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng, dùng liền 10 ngày.

Sự thật về loại “nhân sâm của người nghèo”, trị bách bệnh đang được người Việt săn đón nhiều nhất - Ảnh 3.

Lưu ý quan trọng khi dùng rễ đinh lăng làm thuốc:

Theo lương y Sáng, rễ đinh lăng không có tác dụng chữa bách bệnh như đồn đoán mà chỉ có thể trị được một số bệnh nhất định. Ngoài ra, khi dùng để làm thuốc, người bệnh cần phải lưu ý một số vấn đề quan trọng kẻo gây ra tác dụng phụ.

Cụ thể như sau:

1. Do thành phần Saponin có nhiều trong rễ đinh lăng, chất này có tính phá huyết sẽ làm vỡ hồng cầu, vì vậy chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều đúng cách bào chế.

2. Không được dùng rễ đinh lăng với liều cao bởi sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy. Đặc biệt, khi sử dụng rễ đinh lăng phải dùng những cây đã có từ 3-5 tuổi trở lên (tuy nhiên không nên dùng những cây quá gia cỗi).

3. Khi bào chế một số rễ cây làm thuốc như rễ cây Dâu, rễ cây Ba kích... chúng ta bắt buộc phải bỏ lõi rễ vì có tác dụng phụ không tốt, thậm trí gây thủng dạ dày. Chính vì thế, đối với rễ cây Đinh lăng cũng nên rút bỏ lõi đi để đề phòng các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

4. Do ham "thẩm mỹ", thích "khoa trương" nên nhiều người dùng toàn bộ bộ rễ cây Đinh lăng (thường có khối lượng lõi chiếm tỷ trọng lớn) ngâm rượu cho "đẹp bình", họ coi đó như củ Nhân sâm thực thụ (rất tiếc là các củ Sâm thường không có lõi) để ngâm loại rượu "đại bổ dưỡng" uống hàng ngày. Điều này nên cân nhắc kỹ và xem lại khâu bào chế cho đúng cách.