Sau khi có thông tin sai lệch rằng Hội An bất ngờ thay đổi chính sách và tiến hành thu vé tham quan với giá “cắt cổ”. Nhiều ý kiến đã bày tỏ thái độ phản đối, đòi tẩy chay Hội An và cũng có một số thông tin không chính xác rằng việc bán vé khiến Hội An “vắng như chùa Bà Đanh”. Trong khi đó, theo thống kê thì hiện tại lượng khách Hội An so với cùng kỳ năm ngoái tăng trên 20%.
Ai hiểu Hội An sẽ biết, trong một ngày có những thời điểm phố cố khá vắng vẻ như lúc sáng sớm, buổi trưa và tối muộn với những ngày không phải lễ hội. Và vẻ đẹp của Hội An là bởi sự tĩnh lặng.
Thực ra chính sách bán vé tham quan Hội An được thực hiện từ 20 năm nay, giá vé hiện hành cũng được áp dụng từ năm 2012. Vé phần lớn được bán thẳng cho các công ty du lịch và thường được tính trọn gói trong tour du lịch của khách. Vì thế, du khách đến Hội An nhiều lần cũng không biết có việc bán vé. Người dân đi du lịch lẻ cũng không mấy ai biết việc bán vé này vì việc thực hiện với khách lẻ bị buông lỏng. Chính vì vậy cho dù mỗi năm có khoảng 2 triệu khách tham quan nhưng số lượng vé bán ra chỉ đạt 50%.
Hội An là di sản sống, tiền đầu tư tu bổ, tôn tạo, trùng tu để duy trì những ngôi nhà cổ mỗi năm tốn một con số rất lớn mà người dân và ngân sách Nhà nước dành cho việc này là không đủ. 85% số tiền bán vé sẽ được dùng để phục vụ cho công tác tu bổ, trùng tu di tích.
Nguồn thu từ du lịch mà cụ thể là thông qua bán vé chính là con Át chủ bài từ nhiều năm qua trong việc giải bài toán khó khăn mà Hội An đã làm được, đó là “hài hoà bảo tồn và phát triển”. Vật liệu để trùng tu nhà cổ ở Hội An chủ yếu bằng ngói âm dương và gỗ nhóm 1 nên rất đắt tiền. Hội An có chính sách rõ ràng về mức hỗ trợ kinh phí trùng tu từ 30-75%, thậm chí 100% tùy theo mức độ hư hại của di tích và tùy theo vị trí của ngôi nhà. Ngôi nhà ở vị trí sâu trong ngõ, hẻm, nơi người dân không có nhiều nguồn thu từ du lịch sẽ được ưu tiên với mức cao.
Ông Thái Tế Bưu và ngôi nhà trong hẻm sâu của Hội An. Ngôi nhà của ông được tài trợ 75% tiền sửa chữa, được các chuyên gia Việt Nam và Nhật đến tận nơi khảo sát và tư vấn sửa chữa.
Bởi vậy, với việc bỏ tiền ra mua vé – một việc rất nên làm, chúng ta đang chung tay gìn giữ di sản không những cho Việt Nam mà cho cả nhân loại.
Không có tiền để trùng tu, Di sản văn hoá được UNESCO công nhận sẽ sụp đổ. Người dân sẽ lại phá nhà cổ xây nhà mới, du lịch mất đi sản phẩm đặc sắc, và thế là cái vòng luẩn quẩn đói nghèo sẽ đeo bám lấy người dân.
Một tuần qua, TP Hội An bắt đầu triển khai phương thức bán vé thử nghiệm nhằm tăng cường chống thất thu từ nguồn thu vé tham quan Khu phố cổ Hội An. Tuy nhiên, cách thức thực hiện, việc giao tiếp của người bán vé cũng như sự giải thích chưa đầy đủ, thấu đáo đã gây nên sự bất bình, hiểu lầm trong du khách. Hội An vốn là một điểm du lịch nổi tiếng thế giới nên sự việc này đã nhanh chóng tạo hiệu ứng không tốt trong cộng đồng dân du lịch thế giới.
Hôm nay, Bí thư Thành uỷ Hội An, ông Nguyễn Sự triệu tập cuộc họp khẩn “để chấn chỉnh việc này bởi vì không thể gây ra sự phiền hà và tâm lý nặng nề cho du khách khi đến tham quan Hội An. Cái gì không hợp lý thì phải bãi bỏ”.
Ông Nguyễn Sự khẳng định chủ trương của việc chống thất thoát nguồn thu từ vé tham quan là đúng, nhưng phương thức thực hiện như vậy là sai.
“Không thể để hình ảnh Hội An xấu đi trong mắt du khách chỉ vì một tấm vé. Tất cả cần phải được nghiêm túc chấn chỉnh” – Bí thư Thành ủy Hội An nhấn mạnh.