Vợ: Tôi hỏi anh lần cuối anh có làm không?

Chồng: Rửa bát là việc của cô, không phải việc của tôi. Kể cả tôi là người ăn sau thì cô vẫn phải rửa, có mỗi vài cái bát như to tát lắm, suốt ngày cắm mặt vào cái điện thoại...

Vợ: Anh đi làm tôi cũng đi làm, tôi kiếm tiền không thua gì anh, đừng có giở cái thói gia trưởng ở đây. Tôi đang trả lời tin nhắn khách hàng chứ không phải chơi. Không làm được thì đập hết ra...

Chồng: ... (tiếng loảng xoảng)...

Đó là câu chuyện "xưa như Diễm" của cặp vợ chồng sát vách nhà tôi. Chỉ đến khi đứa con 5 tuổi chạy ra ôm bố mếu máo: "Bố mẹ đừng cãi nhau nữa, để con lớn con sẽ làm đỡ cho bố mẹ..." họ mới thôi gằm ghè nhau chỉ vì vài ba chiếc bát. Cặp vợ chồng đó bình thường thì khá hạnh phúc, đưa nhau đi chơi, đi du lịch, tặng quà cáp những ngày lễ Tết nhưng điều thường ngày cần làm nhất lại luôn là yếu tố khiến họ nảy sinh mâu thuẫn.

Cô vợ nhà bên ấy thi thoảng sang nhà tôi than thở: "Giá ông nhà em được một phần chồng chị. Gớm người đâu mà chịu khó thế chứ, đi làm về là tắm rửa, dọn nhà, chơi với con...". Còn nghe đâu, anh chồng bên ấy cũng buột miệng với chồng tôi: "Sao nhà ông chả bao giờ thấy cãi nhau nhỉ. Vợ biết điều ngoan ngoãn đúng là dễ chịu hẳn". Nực cười chưa, bảo sao "cỏ nhà hàng xóm luôn xanh hơn cỏ nhà mình", cái gì của nhà người ta cũng chất lượng hơn của nhà mình. Vậy có bao giờ các cặp vợ chồng biết "soi gương" lại bản thân trước khi than vãn, thất vọng về nhau?

Thấy con trai thay đổi khó tin từ đôi bắc nồi, mẹ chồng nhắc nhở con dâu và nhận được câu trả lời: "Chồng con chỉ đang làm tốt trách nhiệm của anh ấy" - Ảnh 2.

01

Chồng tôi trước khi kết hôn là một người rất độc lập, độc lập về ý chí thôi nhé chứ việc nhà thì chẳng bao giờ động tay. Cũng chính vì thời bé học giỏi, lớn lên lại giỏi kiếm tiền nên mẹ chồng quan niệm "để nó tập trung lo việc lớn". Đến khi mua được căn nhà cho riêng mình, anh ấy mới bắt đầu tập làm việc nhà, tự chăm sóc bản thân và hơn nữa là thể hiện với người yêu thời hẹn hò nồng cháy. Nhưng mỗi lần được mẹ đến chơi là căn hộ lại ngăn nắp, tủ lạnh đầy ắp thức ăn và mọi thứ không còn một hạt bụi. Mẹ vẫn thường dặn anh rằng: "Bận quá thì ăn xong bát cứ để đấy, mẹ bảo cô giúp việc sang dọn". Thành ra việc ở riêng cũng bằng thừa.

Cho đến khi kết hôn, tôi mới "hợp đồng" rõ ràng với anh ấy, thành thục "khóa huấn luyện" biết làm tất cả việc nhà thì mới cưới. Bình thường tôi là đứa rất dốt mấy cái thiết bị công nghệ, thậm chí máy giặt còn đôi lúc tậm tịt giữa các chức năng. Vậy là chúng tôi phân công rõ ràng luôn vợ làm việc này, chồng làm việc kia và anh ấy vui vẻ đồng ý.

Giai đoạn đầu khi chưa có con, ai làm việc nấy và đảm bảo chất lượng công việc chứ không phải làm cho có lệ. Dù có cảm thấy mệt mỏi, tôi vẫn gắng gượng nấu bữa cơm tối của gia đình. Dù có bận rộn đi đâu thì bát đũa sau bữa ăn luôn là anh rửa. Riêng chủ nhật được nghỉ chúng tôi sẽ cùng nhau dọn dẹp mọi thứ.

Thấy con trai thay đổi khó tin từ đôi bắc nồi, mẹ chồng nhắc nhở con dâu và nhận được câu trả lời: "Chồng con chỉ đang làm tốt trách nhiệm của anh ấy" - Ảnh 3.

Nhưng sau khi có con, cuộc sống 2 vợ chồng bị đảo lộn bởi giờ giấc sinh hoạt của bé, anh ấy chủ động làm phần nhiều. Thấy chồng vất vả tôi cố gắng bữa cơm nào cũng tươm tất, đủ món anh thích. Còn chồng làm thêm cả những việc nhà mà trước đây quy định dành cho vợ. Đó mới là sự chia sẻ đúng nghĩa. Bởi khi yêu thật sự, tự nhiên người ta sẽ trở nên tinh tế, luôn hiểu đối phương cần gì và muốn gì.

Kể cả có giao ước từ đầu nhưng tôi vẫn hoàn toàn thất bại nếu chồng luôn bảo thủ, ích kỉ và không hề biết nghĩ cho vợ con.

02

Một lần mẹ chồng qua nhà chơi, vì bà là người phụ nữ nội trợ kiểu mẫu nên rất quan tâm đến những tiểu tiết trong gia đình. Bà hỏi: "Còn nước giặt không con? Hôm qua mẹ đi siêu thị mới được khuyến mại, mẹ mang cho 1 can này, mà nhà con dùng loại nào vậy?". Quả thật tôi không biết trả lời mẹ chồng thế nào bởi giặt quần áo chẳng phải việc của tôi. Máy giặt được đặt trên tầng 3 chỗ có tum phơi đồ và tôi chẳng bao giờ chạy lên đấy. Kể cả giặt hay phơi rồi thu đồ cũng là chồng làm.

Rồi lại 1 lần khác bà đi thể dục ghé qua sớm, thấy anh con trai vội vã nhét vào cặp hộp sữa cùng cái bánh mỳ bà khó chịu ra mặt. Chiều về bà gọi ngay con dâu sang nhà giáo huấn: "Tại sao con không dậy sớm làm đồ ăn sáng cho chồng? Không thì ít ra cũng phải mua cho nó bát phở chứ? Con làm vợ mà thế là không được". Tôi phát phì cười với triết lý thời Napoleon của bà. Đúng lúc ấy chồng tôi cũng đáp hộ: "Mẹ ơi thời bây giờ tiến bộ rồi, vợ không cần dậy từ 5 giờ sáng để nấu nướng rồi dọn dẹp nữa. Chúng con đều có những công việc riêng. Hơn nữa thời gian ấy chúng con có thể ngủ thêm một chút rồi cho con đi nhà trẻ cũng đã muộn lắm rồi".

Thấy con trai thay đổi khó tin từ đôi bắc nồi, mẹ chồng nhắc nhở con dâu và nhận được câu trả lời: "Chồng con chỉ đang làm tốt trách nhiệm của anh ấy" - Ảnh 4.

Có vẻ bà vẫn chưa hài lòng với câu trả lời ấy. Tôi liền nhẹ nhàng: "Mẹ ạ, không có quy chuẩn nào cho vợ chồng phải làm cái nọ cái kia đâu. Chúng con luôn tương trợ nhau và cùng giúp nhau tốt đẹp. Mẹ có thấy lấy con, con trai mẹ béo trắng ra không?".

Vậy đó, cho tới bao giờ các bà mẹ chồng mới hiểu được chăm sóc gia đình không phải nghĩa vụ của 1 mình đàn bà. Khi một người kiếm nhiều tiền, việc nhà đẩy hết sang người còn lại là sự sắp xếp vô lý. Thay phiên nhau mọi trách nhiệm chính là giúp gia đình hòa thuận và tạo mối quan hệ lành mạnh, bền vững.

03

Vợ chồng tôi đưa con về ông bà chơi Tết Dương lịch. Khi các món đã được chuẩn bị tươm tất, tôi giúp mẹ chồng dọn lại chỗ thực phẩm thừa trong khu bếp. Đột nhiên, chồng tôi mang xuống một đôi bắc nồi mà anh ấy hì hục cắt tỉa, khâu vá từ nãy giờ.

"Mẹ đừng dùng đôi bắc nồi cũ nữa, nó xẹp hết bông bên trong rồi, cẩn thận lại bỏng đấy, còn cái khăn lau bếp kia mẹ treo ra ngoài cho có nắng, con thay cái khác lành lặn hơn rồi đấy", mẹ chồng tôi gần như sốc đến ngã khụy trước anh con trai 29 năm không một lần vào bếp. Bà chỉ biết thốt lên: "Sao con có thể làm được những việc này? Ai dạy con vậy?". Còn tôi tủm tỉm cười rồi mang đồ ăn ra bàn để lẩn tránh sự tra khảo sắp xảy ra.

Thấy con trai thay đổi khó tin từ đôi bắc nồi, mẹ chồng nhắc nhở con dâu và nhận được câu trả lời: "Chồng con chỉ đang làm tốt trách nhiệm của anh ấy" - Ảnh 5.

Trong bữa ăn đó, mẹ chồng tôi liên tục nhắc nhở tôi cần yêu chồng nhiều hơn vì anh ấy đã giúp vợ việc nhà. Nhưng tôi đã mạnh dạn trả lời: "Con nghĩ đó không phải sự giúp đỡ. Đã là vợ chồng thì cần san sẻ mọi công việc cùng nhau. Chồng con chỉ đang làm tốt trách nhiệm của anh ấy thôi ạ".

Chẳng biết từ bao giờ mà người ta quan niệm đàn ông biết làm việc nhà là "đàn ông quý hiếm" được ngợi ca, được tung hô. Nên khi có ai đó hỏi tôi "chồng đã giúp đỡ bạn việc nhà thế nào" tôi chỉ lắc đầu, bởi tôi không cần sự giúp đỡ, anh ấy chỉ đang làm tốt việc của mình mà thôi. Còn nếu xét về vấn đề sức khỏe, ai khỏe hơn người đấy hãy làm việc nhà nhiều hơn!

Chúng tôi đứng về phía Văn Mai Hương.

Phụ nữ phải được tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn dù ở bất cứ đâu. Phát tán những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm của phụ nữ, dù bất cứ lý do gì đều không được chấp nhận. Chúng ta hãy cùng đứng về phía Văn Mai Hương và chung tay bảo vệ phụ nữ, vì một xã hội văn minh hơn.

Sự thay đổi khó tin của người chồng và câu chuyện mẹ chồng chất vấn nàng dâu thì nhận được câu trả lời: "Chồng con chỉ đang làm tốt trách nhiệm của anh ấy" - Ảnh 7.