Trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc làm giả sữa với quy mô lớn bị lực lượng chức năng triệt phá, cho thấy mức độ phổ biến và nghiêm trọng của vấn nạn này tại Việt Nam. Có thể thấy, vấn nạn sữa giả đã không còn xa lạ, nó hiện hữu trong cuộc sống và gần như năm nào cũng có những vụ việc bị phanh phui.
Sữa giả – Vấn nạn không còn xa lạ
Mới đây nhất, tháng 4/2025, Công an TP. Hà Nội phối hợp các đơn vị nghiệp vụ phát hiện đường dây làm giả gần 600 loại sữa bột công thức mang nhãn hiệu nổi tiếng, bao gồm các sản phẩm dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai… Nhóm đối tượng đã thu lợi bất chính khoảng 500 tỷ đồng. Phân tích mẫu cho thấy sữa giả thiếu hoàn toàn các thành phần công bố, chứa phụ gia không rõ nguồn gốc và nhiều mẫu có chất lượng dưới 70% chỉ tiêu dinh dưỡng, đủ điều kiện xác định là hàng giả.

Tháng 1/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện một xưởng sản xuất sữa giả quy mô lớn liên tỉnh Bình Dương – TP.HCM. Các đối tượng đã sản xuất sữa bột giả mang nhãn hiệu nổi tiếng như Ensure, Alpha Lipid, Glucerna và bán chủ yếu qua các kênh trực tuyến.
Cuối năm 2022, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C05) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan (địa chỉ tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Kết quả giám định cho thấy, 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đạt dưới 70% so với mức công bố.
Những vụ việc trên cho thấy tình trạng sản xuất và buôn bán sữa giả tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của các thương hiệu sữa uy tín. Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, tránh sử dụng để ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân cũng như người thân trong gia đình.
Tác hại của sữa giả: Không chỉ là "thiếu chất" mà hiểm họa sức khỏe còn rình rập
Sữa là dòng thực phẩm chăm sóc sức khỏe phổ biến, những dòng đặc thù thường được sử dụng cho những đối tượng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người bệnh cần phục hồi thể trạng. Khi các sản phẩm này bị làm giả, không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng, thậm chí chứa chất phụ gia không rõ nguồn gốc, hậu quả với sức khỏe có thể rất nghiêm trọng.

Ảnh minh họa
Trẻ em dùng phải sữa giả: Tổn thương lâu dài về thể chất và trí tuệ
Trẻ em ở mọi lứa tuổi – từ sơ sinh đến tuổi mẫu giáo, tiểu học – đều cần nguồn dinh dưỡng đầy đủ và cân đối để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Tuy nhiên, khi sử dụng phải loại sữa bị làm giả, nhất là dùng trong thời gian dài, hàm lượng dinh dưỡng bị thiếu, đồng thời hấp thụ những thành phần không rõ nguồn gốc, hậu quả gây ra với trẻ em là rất nghiêm trọng.
Với trẻ sơ sinh và dưới 3 tuổi – giai đoạn "cửa sổ vàng" phát triển não bộ và chiều cao – sữa giả có thể khiến trẻ chậm tăng cân, còi xương, suy dinh dưỡng, do thiếu protein, DHA, canxi, sắt và các vitamin thiết yếu. Nhiều loại sữa giả còn chứa hương liệu, chất làm đặc hoặc bột thực phẩm công nghiệp dễ gây nôn trớ, tiêu chảy, dị ứng do hệ tiêu hóa còn non nớt. Nguy hiểm hơn, việc thiếu hụt dinh dưỡng ở giai đoạn này còn ảnh hưởng đến trí tuệ và hành vi lâu dài, khiến trẻ chậm nói, kém tập trung, giảm khả năng học hỏi.

Ảnh minh họa
Với trẻ lớn hơn, đang trong độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, nhu cầu dinh dưỡng cao vẫn rất cần thiết để duy trì miễn dịch, phát triển chiều cao và tư duy. Sữa giả nếu tiếp tục được sử dụng trong thời gian dài có thể khiến trẻ mệt mỏi, học kém, suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến kết quả học tập và tinh thần.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Nhi khoa Quốc tế (2021) chỉ ra rằng, trẻ em thiếu hụt dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời có nguy cơ suy giảm khả năng học tập và miễn dịch kéo dài đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, sữa giả không chỉ là vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của trẻ.
Người cao tuổi dùng phải sữa giả: Gánh nặng lên gan, thận và nguy cơ suy nhược
Người cao tuổi là nhóm dễ bị tổn thương trước các sản phẩm dinh dưỡng kém chất lượng, trong đó có sữa giả. Ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa đã suy yếu, chức năng gan – thận giảm, đồng thời nhiều người phải sống chung với các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao hay loãng xương. Khi sử dụng sữa giả – vốn không đảm bảo thành phần dinh dưỡng và chứa các phụ gia không rõ nguồn gốc – cơ thể người lớn tuổi có thể gặp nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Ảnh minh họa
Trước hết, do sữa giả không cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu như đạm, canxi, vitamin... nên nếu dùng lâu dài sẽ khiến người già khó duy trì khối lượng cơ, dễ sụt cân, suy nhược, mệt mỏi kéo dài. Đồng thời, một số thành phần lạ hoặc chất thay thế trong sữa giả có thể gây tổn thương gan, thận, đặc biệt nguy hiểm nếu người dùng đang điều trị bằng thuốc – vì nguy cơ tương tác bất lợi.
Ngoài ra, một số thành phần không an toàn trong sữa giả có thể gây rối loạn chuyển hóa, đầy hơi, tiêu chảy hoặc kích ứng đường tiêu hóa. Với người cao tuổi, những phản ứng này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe hiện tại, kéo theo nguy cơ nhập viện, suy giảm chất lượng sống.

Ảnh minh họa
Người có bệnh nền và hệ miễn dịch suy giảm dùng phải sữa giả: Nguy cơ bị biến chứng nặng
Đối với những người có bệnh lý nền hoặc đang trong quá trình hồi phục sau điều trị (như sau phẫu thuật, sau hóa trị, bệnh nhân COVID-19...), nhu cầu dinh dưỡng cao nhưng hệ miễn dịch yếu. Vậy nên, nếu không phải dùng phải sữa giả để bồi bổ sức khỏe, vô tình cơ thể không được hồi phục đúng mức, kéo dài thời gian điều trị, thậm chí làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Sữa giả không chỉ đơn thuần là không mang lại lợi ích dinh dưỡng, mà còn có thể gây hại trực tiếp cho sức khỏe, đặc biệt với những người yếu thế. Trong nhiều trường hợp, tác hại không thể hiện rõ ngay lập tức nhưng âm thầm ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua qua kênh không chính thống hoặc giá quá rẻ so với thị trường.
Để nhận biết sữa thật và sữa giả, bạn tham khảo TẠI ĐÂY.