1. Cấu tạo tuyến vú
Tuyến vú gồm 3 mô chính là mô tuyến, mô mỡ và mô liên kết. Tính từ ngoài vào trong, vú của phụ nữ gồm 5 lớp là: da, mỡ dưới da và tổ chức liên kết, dây chằng cooper treo vú, mô tuyến và mô sau tuyến.
Cấu tạo tuyến vú có khoảng 15-25 ống dẫn sữa và xoang chạy xuyên qua núm vú và mở ra ở đầu núm vú, được bao quanh bởi quầng vú có đường kính 2-6cm, có màu hồng đến màu nâu đậm tùy theo độ tuổi và số lần sinh con.
Các ống dẫn sữa được sắp xếp theo dạng nan hoa. Mỗi ống dẫn sữa là có khoảng 38-80 tiểu thùy. Mỗi tiểu thùy lại có nhiều nang sữa.
Sữa mẹ được sản xuất từ các tiểu thùy đổ vào ống góp ở ống dẫn sữa, ống góp này có đường kính khoảng 2mm. Sau đó, sữa sẽ đi tới các xoang chứa sữa nằm bên dưới quầng vú. Xoang chứa này có đường kính 5 - 8mm. Mỗi bầu ngực mẹ sẽ có 5 - 10 ống dẫn sữa mở ra ở núm ti.
Phụ nữ sau sinh có thể bị tắc tia sữa. Do ngực mẹ có nhiều nang sữa, tiểu thùy và thùy.
2. Sữa mẹ được tạo ra từ đâu?
Sữa mẹ được tạo ra từ chính máu của người mẹ. Các phế nang giữ vai trò là nơi sản xuất sữa mẹ. Chúng lấy đường, protein, chất béo từ nguồn máu và tạo ra sữa mẹ. Sau đó, một mạng lưới dày đặc các tế bào quanh phế nang sẽ co bóp tuyến sữa và đẩy sữa mẹ vào ống dẫn sữa.
Khi thức ăn và nước uống được mẹ tiêu thụ thì hệ tiêu hóa sẽ chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng khác nhau. Những chất dinh dưỡng này được hấp thụ vào máu. Trong khi đó, sữa mẹ được tổng hợp trực tiếp từ máu nên dinh dưỡng từ thức ăn tham gia trực tiếp vào sữa mẹ.
Sữa mẹ được thiết kế hoàn hảo với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ như: nước, chất béo, protein, carbohydrate, các loại vitamin, khoáng chất và axit amin. Bên cạnh đó, sữa mẹ cũng chứa nhiều tế bào bạch cầu, các enzyme, kháng thể và nhiều hoạt chất khác giúp nâng cao khả năng bảo vệ hệ miễn dịch của bé.
Cơ thể mẹ sản xuất sữa như thế nào?
Quá trình sản xuất và tiết sữa mẹ được kiểm soát bởi 4 hormone progesterone, estrogen, prolactin và oxytocin.
Estrogen và progesterone có nhiệm vụ giúp bầu ngực phát triển để sẵn sàng cho việc sản xuất sữa mẹ
Khi mẹ mang thai đến tháng thứ 4, progesterone sẽ báo hiệu cho cơ thể tạo sữa. Estrogen thì phát triển bầu ngực mẹ, với các tuyến sữa hình thành và kết cấu rõ ràng, sẵn sàng cho việc chứa đựng nguồn sữa dồi dào.
Hai loại hormone này sẽ ức chế hoạt động sản xuất sữa. Nhưng ngay khi con chào đời, nhau thai bong ra thì chúng sẽ tự động giảm hết mức. Chúng nhường chỗ cho hormone prolactin và oxytocin tạo sữa, tiết sữa mau lẹ.
Prolactin có chức năng sản xuất sữa, tạo các phản xạ tiết sữa
Khi trẻ mút vú sẽ kích thích cơ thể bài tiết nhiều prolactin. Hormone này đi vào máu, đến vú của mẹ và làm cho vú sản xuất nhiều sữa hơn. Vì thế, khi trẻ càng bú mẹ nhiều thì hormone prolactin được bài tiết nhiều sẽ giúp mẹ có nhiều sữa hơn.
Oxytocin giải phóng sữa ra khỏi bầu ngực
Hormone này được giải phóng ngay từ lúc bé bắt đầu ngậm núm vú và mút. Nó có chức năng làm co bóp các cơ quanh nang, đẩy sữa ra khỏi nang rồi đi vào các ống sữa, sau đó di chuyển tới núm ti và chảy vào miệng bé. Đây chính là phản xạ phun sữa.
Nếu hormone oxytocin không làm việc tốt thì sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nhận sữa mặc dù vú mẹ vẫn sản xuất sữa nhưng lại không đẩy ra ngoài được. Phản xạ phun sữa bị ảnh hưởng nhiều bởi suy nghĩ của người mẹ. Nếu mẹ vui vẻ, yêu thương bé, tin tưởng vào việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ hỗ trợ tích cực cho phản xạ này và ngược lại.
Bên cạnh việc sản xuất sữa, trong sữa mẹ còn có một chất phụ là chất ức chế tạo sữa. Khi có một lượng sữa lớn ứ đọng trong vú, chất ức chế này sẽ được tiết ra để cơ thể mẹ ngưng tạo sữa. Vì thế, nếu muốn có nhiều sữa cho con thì mẹ phải thường xuyên làm rỗng các nang sữa bằng cách cho bé bú thường xuyên.
3. Mẹ có thể tiết sữa bằng "tâm trí" và theo nhu cầu của con
Hiện tượng tiết sữa bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, tâm trạng và tâm lý của người mẹ. Có nhiều người mẹ, chưa cần cho con bú mà chỉ mới nghe tiếng con khóc, hoặc trông thấy con yêu thôi là ngực đã tự động tiết sữa rồi. Đó là do các tuyến sữa của mẹ hoạt động quá mạnh mẽ, và mẹ thì quá xúc động khi được ở bên con yêu.
Sữa mẹ tiết theo nhu cầu của bé và được sản xuất phù hợp với mức độ trống rỗng của bầu ngực. Chế độ ăn uống của mẹ hay kích thước bầu ngực không ảnh hưởng đến việc sữa được sản xuất nhiều hay ít. Do đó, để tăng lượng sữa cho bé bú, mẹ phải cho con ti thường xuyên để sữa ra khỏi bầu ngực và cơ thể mẹ sẽ sản xuất thêm nhiều sữa mới.
Với trẻ mới sinh, mẹ nên cho bé bú sau mỗi 2-3 giờ. Khi trẻ lớn dần, khoảng cách giữa các cữ bú sẽ kéo dài hơn, lên 3,5 - 4 giờ và đến giai đoạn ăn dặm, trẻ sẽ có nhu cầu sữa ít hơn. Việc sản xuất sữa mẹ cũng sẽ tự được điều chỉnh theo nhu cầu của bé.
4. Làm thế nào để mẹ tiết sữa đúng tự nhiên?
- Thư giãn tinh thần, nghỉ ngơi điều độ: Quan trọng là mẹ luôn giữ được tâm trạng thoải mái, đầu óc minh mẫn. Để làm được điều này, mẹ hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Bớt suy nghĩ đến các vấn đề tiêu cực, và chỉ tập trung vào con yêu mà thôi. Chỉ khi có một tinh thần thoải mái, thư giãn, não bộ mẹ mới sản sinh đủ prolactin và oxytocin tạo sữa, tiết sữa.
- Cho bé bú và vắt sữa nhiều hơn: Như đã phân tích cơ chế tiết sữa ở trên, cho con bú thường xuyên cũng là một giải pháp để mẹ tiết sữa đều đặn. Chăm chỉ cho con bú là cách để con giúp mẹ tiết sữa nhiều hơn.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Thực phẩm là yếu tố thúc đẩy tăng tiết hormone mạnh mẽ không kém "tâm trí" của mẹ đâu! Đây là cách kích sữa, tăng tiết sữa từ bên trong vô cùng hiệu quả.
Như vậy, qua bài viết này, mẹ đã biết sữa được sản xuất như thế nào cũng như biết cách để tăng tiết sữa, giúp có đủ sữa cho bé ti. Hãy cố gắng cho con được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và kéo dài đến khi con được 2 tuổi bởi điều đó sẽ mang đến cho con một khởi đầu tốt nhất.
5. Lưu ý để đảm bảo bầu ngực cạn sữa sau mỗi cữ bú
• Đảm bảo bé bú đúng khớp ngậm: Khi trẻ bú đúng khớp ngậm sẽ giúp mẹ không bị đau nứt núm vú và lượng sữa cũng được tiết ra đều đặn hơn, giúp trẻ bú no và đủ sữa. Trong đó, các dấu hiệu trẻ bú đúng khớp ngậm thường bao gồm:
+ Miệng của bé mở rộng, không chỉ có núm vú mà phần lớn quầng vú sẽ nằm trong miệng bé. Khi dùng tay nhẹ nhàng kéo môi dưới của trẻ xuống, bạn có thể nhìn thấy lưỡi của bé.
+ Khi cho con bú đúng cách, bạn có thể thấy môi trên và môi dưới của em bé trề ra bên ngoài chứ không bị mím vào trong. Khi trẻ đang bú, bạn cũng không nhìn thấy núm vú mà chỉ thấy được quầng vú.
+ Tai của trẻ chuyển động, lung lay nhẹ khi trẻ đang bú mẹ đúng cách.
+ Má của trẻ thường tròn, đầy đặn khi đang ngậm vú mẹ và bú.
+ Trẻ bú đúng khớp ngậm sẽ không tạo ra âm thanh gì và bạn chỉ nghe thấy tiếng nuốt sữa mẹ.
+ Khi trẻ ngưng bú và rời khỏi vú mẹ, bạn sẽ thấy núm vú không bị biến dạng như bị dẹp hoặc bị lệch.
+ Khi bú đúng khớp ngậm, trẻ thường kết thúc cữ bú với biểu hiện hài lòng, dễ chịu, no sữa và có thể ngủ thiếp đi. Đồng thời, quá trình cho bú cũng không gây bất cứ đau đớn nào cho mẹ.
• Massage bầu ngực và đầu ti trước khi cho bé bú: Nhiều mẹ khi đối mặt với tắc sữa, thiếu sữa, mất sữa thường nặn ngực, vắt sữa bằng tay không. Đây là phương pháp kích sữa tốt, nhưng nếu tác dụng quá nhiều lực, hoặc không đủ khéo léo sẽ dễ gây ra viêm sưng, nhiễm trùng, tắc sữa nặng hơn.
Tốt nhất là mẹ hãy trân trọng, nâng niu bầu ngực của mình bằng cách massage ngực nhẹ nhàng. Đó cũng là giải pháp giúp mẹ tiết sữa tự nhiên một cách an toàn.
• Sau khi bé bú, nếu mẹ cảm thấy ngực vẫn còn sữa, không được mềm thì hãy hút hết sữa đang có sẵn trong ngực để cơ thể sản xuất thêm sữa cho cữ bú sau của con.
Nếu trong trường hợp sữa mẹ sản xuất nhiều hơn nhu cầu của bé, khiến mẹ thường xuyên cảm thấy căng tức, khó chịu ở ngực hoặc khi mẹ đang muốn cai sữa thì hãy thực hiện một vài cách để giảm lượng sữa.
Mẹ có thể cho bé bú 1 bên ngực hoặc đổi bên ngay khi bầu ngực vẫn còn sữa. Như vậy cơ thể sẽ hiểu rằng sữa đang dư thừa so với nhu cầu của bé. Dần dần, quá trình sản xuất sữa chậm lại, sữa được tiết ra ít hơn.