Phải mua như đất thổ cư
Mở quán bán trà đá trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) được 4 năm, chị Tâm cho biết, nhờ nằm cạnh trường đại học, sinh viên qua lại đông nên mỗi tháng chị có thể kiếm từ 10-15 triệu đồng - số tiền không hề nhỏ so với công việc lao động chân tay vất vả của chị trước kia.
Theo lời chị Tâm, mở quán nước khá nhàn, chỉ việc ngồi một chỗ lại có nguồn thu nhập ổn định. Vì thế, chị đang có ý định kiếm thêm một chỗ ở khu vực này cho đứa em dâu mở quán nước hay đồ ăn vặt kiếm thêm.
Thấy vậy, một chủ quán liền kề, có diện tích gấp đôi quán của chị tuần trước đề nghị: nếu muốn mở quán, họ sẽ cắt bán một nửa diện tích (ước chừng 8m2 vỉa hè) cho chị với giá 12 triệu đồng; chị không ưng sẽ bán cho người khác. Thấy chị kêu giá cao quá, chủ quán này nói: “Hay qua chỗ cuối đường kia, chị bảo người ta để lại cho em với giá rẻ hơn (9 triệu/đồng/chỗ). Chỗ đó không nhiều khách bằng chỗ này nhưng cũng hái ra tiền mỗi tháng”.
Trên thực tế, vỉa hè là đất công cộng. Bán hàng trên vỉa hè là lấn chiếm đường của người đi bộ, là phạm luật. “Vậy mà, để có một chỗ bán hàng trên vỉa hè giờ cũng phải mua bán, sang nhượng chẳng khác đất thổ cư. Có chăng, khác ở chỗ mua đất vỉa hè chỉ bằng miệng, còn mua đất thổ cư có thêm tờ giấy”, chị Tâm chia sẻ.
Thừa nhận chuyện này, chị Hoa, một chủ quán đồ nướng trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy), cho hay chị cũng phải mua chỗ vỉa hè này của một người chủ cũ với giá 25 triệu đồng chứ không ít.
Vốn là nhân viên công sở, chị Hoa muốn mở quán ở vỉa hè kiếm thêm vào buổi tối. Nhưng chị mất cả tháng đi tìm địa điểm mà không được, chỗ nào giờ họ cũng nói có chủ, phải mua bán.
“Giờ không mua thì lấy đâu chỗ bán hàng. Tôi đã đi tham khảo vài nơi rồi, chỉ địa điểm trên đường Hồ Tùng Mậu là được nhượng lại với giá phải chăng, lại đông sinh viên nên có thể làm ăn được. Hôm chuyển đến, ông chủ cũ nói tôi may mắn vì có hai người nữa đến hỏi với giá cao hơn, song do đã nhận tiền đặt cọc của tôi rồi nên không dám bán cho người khác”, chị Hoa kể.
Hoặc phải thuê theo tháng
Không chỉ mua bán chỗ mà giờ đây, nhiều người còn công khai chuyện cho thuê vỉa hè trước nhà hay cho thuê quán vỉa hè.
Thực tế, chuyện này không phải là hiếm. Theo anh Sơn, chuyên bán đồ ăn vặt trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa), anh cũng đang thuê chỗ vỉa hè này để bán hàng với giá 4 triệu đồng/tháng.
Anh Sơn cho biết, khu vực này có nhiều người sinh sống, lại nằm ngay cạnh trường đại học nên rất đông khách. Trước bà chủ quán cũng bán hàng ăn vặt, khi bà nghỉ bán anh có hỏi mua lại nhưng bà kiên quyết chỉ cho thuê theo tháng.
“Thuê được gần một năm, tính ra tiền thuê đắt gấp mấy lần tiền mua nhưng bà ấy không bán nên tôi đành chịu, bỏ đi thì tiếc. Nhưng cũng may, trừ tiền thuê mướn, tiền phí, mỗi tháng tôi cũng thu được chục triệu đồng từ cái quán nhỏ xíu này”.
Theo anh Sơn, giờ nhiều người cũng tính toán, biết chỗ vỉa hè làm ăn được nên còn cho thuê. Đơn cử, vợ anh bán hoa quả ở khu vực gần chợ Nghĩa Tân, mới đầu ngồi bán trên vỉa hè trước cửa nhà người khác không mất phí. Được một thời gian, chủ nhà thấy đông nên quyết định chia vỉa hè làm ba lô cho thuê. Ai muốn bán hàng thì cứ “xì” ra 2 triệu đồng/tháng, không thì mời ra chỗ khác.
Không chỉ vậy, hiện trên các trang mạng xã hội, trang rao vặt xuất hiện tràn lan các mẩu tin quảng cáo cho thuê vỉa hè theo kiểu: “Cho thuê vỉa hè mặt tiền 16m2, tiện kinh doanh hàng nướng buổi tối, vị trí đẹp, giao thông thuận tiện. Giá 5 triệu đồng/tháng. Ai có nhu cầu liên hệ... ” hay “sang và cho thuê quán nước mía, café, sinh tố vỉa hè đường CN1, phường Tân Kỳ, Tân Phú. Tiền mặt bằng là 1 triệu/tháng, sang 15 triệu... ”.
Theo nhiều người bán hàng, hiện muốn có chỗ bán trên vỉa hè thì phải thuê, mua hoặc phải mất phí bảo kê... Giá cả thì tùy vị trí, song rẻ cũng 5-7 triệu đồng, còn chỗ đẹp, được coi là đất vàng có thể “hái ra tiền” phải lên đến cả chục triệu đồng.