Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ ước tính, doanh thu mùa mua sắm cuối năm 2020 sẽ đạt được khoảng hơn 766 tỉ USD – tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng khách hàng mua sắm trực tuyến tăng trưởng mạnh do đại dịch COVID-19, giúp nhiều ông lớn bán lẻ như Walmart hay Target thắng lớn từ sự thay đổi này. Ngoài ra, các tên tuổi này cũng có được cú hích khi nằm trong danh sách những dịch vụ thiết yếu được phép mở cửa kể từ đầu mùa dịch. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng được hưởng lợi từ sức tăng trưởng của năm nay.

Khó khăn tại các cửa hàng truyền thống

Đã có hơn 30 doanh nghiệp bán lẻ phá sản năm nay, theo S&P Global. Đồng thời, hơn 8.400 cửa hàng truyền thống cũng buộc phải đóng cửa.

"Điều tồi tệ nhất vẫn còn chưa tới. Có khả năng là mùa Giáng sinh này sẽ không giúp ích được nhiều cho các doanh nghiệp bán lẻ" – Ông Scott Stuart, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội tái cấu trúc doanh nghiệp (TMA) cho hay.

 - Ảnh 1.

Người tiêu dùng với phương châm "chậm mà chắc" khi mua sắm trong mùa lễ hội (Nguồn: Getty Image)

Các nhà bán lẻ tại trung tâm mua sắm là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, để mất hàng triệu USD doanh thu do nhiều tuần đóng cửa liên tiếp. Một số khác không đủ khả năng hoặc phải trì hoãn thanh toán hoá đơn thuê mặt bằng. Đây được ví một đòn giáng trực tiếp lên chủ các trung tâm thương mại. Bảy công ty trong đó có Simon Property Group đã bị S&P Global "điểm mặt" về nguy cơ đối mặt với những rủi ro đặc biệt khi bước vào mùa đông.

Khi mà Giáng sinh đang tới gần, với phương châm "chậm mà chắc", nhiều khách hàng thường có xu hướng trì hoãn mua sắm đến phút cuối. Tuy vậy, đây đồng thời là rủi ro tiềm tàng, khi các ca lây nhiễm COVID-19 vẫn gia tăng có thể dẫn đến các đợt đóng cửa mới. Điều này sẽ tạo ra cú sốc lợi nhuận cho các nhà bán lẻ vốn vẫn đang vật lộn với khó khăn.

Những tên tuổi đang nỗ lực vượt khó từ mùa mua sắm cuối năm

GAP

 - Ảnh 2.

(Nguồn: Getty Images)

Mùa lễ hội tới gần cũng là thời điểm đánh dấu cột mốc thời gian quan trọng với Gap trong việc định hướng lại các nhãn hiệu riêng của mình bao gồm các nhãn hiệu như: Banana Republic, Old Navy và Athleta.

Đây là lần thứ hai sau 15 năm Banana Republic sử dụng chiến lược quảng bá chiến dịch trên sóng truyền hình, cho thấy sự nỗ lực của Gap trong việc truyền tải câu chuyện của từng nhãn hiệu riêng đến với từng phân khúc khách hàng. Đồng thời, hướng đi của Old Navy và Athleta cũng được quyết định rõ ràng. Old Navy tập trung dòng sản phẩm của mình cho các gia đình có ngân sách tiết kiệm. Trong khi đó Athleta lại thiên về đối tượng khách hàng là nữ ưa chuộng những bộ đồ thể thao năng động.

Mặc dù vây, doanh số bán lẻ của những nhãn hiệu trên vẫn không như mong đợi do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, lệnh giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt và người tiêu dùng khó có thể mua sắm tại cửa hàng.

Gap và các nhãn hàng riêng buộc phải đóng cửa một loạt các cửa tiệm, đồng thời sa thải ít nhất 10% nhân viên và vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa hoạt động trở lại trong năm 2021.

Bà Sonia Sygnal – CEO Gap nhấn mạnh sự lạc quan của mình với các nhà phân tích rằng Gap vẫn đạt hiệu quả trong kỳ mùa đông năm nay. Doanh số quý IV năm nay ước tính sẽ bằng hoặc nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Kỉ nguyên mới của Gap năm tới được kì vọng sẽ có nhiều tín hiệu khả quan khi công ty dự kiến ra mắt thương hiệu mới với nhãn hàng Yeezy, cho ra đời Yeezy Gap – một sự hợp tác với thương hiệu Yeezy của rapper Kanye West.

Kohl’s

 - Ảnh 3.

(Nguồn: Bloomberg)

Kohl’s đã tìm được chỗ đứng đặc biệt cho riêng mình trong kì nghỉ lễ lần này khi công bố sẽ hợp tác với chuỗi của hàng bán lẻ mỹ phẩm Sephora. Theo dự kiến, sẽ có khoảng 200 điểm bán bên cạnh Kohl’s vào mùa thu 2023, nâng tổng số lên 850 cửa hàng.

Trong khi các đối thủ tại các trung tâm mua sắm chật vật với đại dịch, Kolh’s gặt hái nhiều hơn từ khoảng hơn 1.000 cửa hàng đặt bên ngoài. Khách hàng cảm thấy an tâm hơn với việc mua sắm tại những nơi thoáng đãng. Kolh’s một lần nữa khẳng định vị trí thuận lợi là ưu điểm chính của công ty, đặc biệt khi mô hình cửa hàng nằm trong trung tâm thương mại đã "tuyệt chủng" ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, Kohl’s vẫn cần nỗ lực rất nhiều để quay lại với đà tăng trưởng khi việc kinh doanh đang trở nên khó khăn. Trong báo cáo kinh doanh hồi cuối tháng 10, doanh thu cùng cửa hàng cùng kỳ năm ngoái đã giảm tới 13,3% mặc dù doanh thu trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ.

Sự hợp tác với Amazon cũng có thể sẽ là chất xúc tác mạnh cho tăng trưởng trong mùa Noel này, bởi lượng đơn đặt hàng qua Amazon lớn hơn cũng giúp tạo ra lợi nhuận cho các cửa hàng. Tuy nhiên, "thuốc thử" thật sự, là liệu hãng có thể lôi kéo người tiêu dùng tới cửa hàng để sắm sửa hay không.

Giới bán lẻ vẫn tiếp tục chật vật vượt qua khó khăn

Tuy nhiên, giới phân tích, nhất là các hãng theo dõi tín nhiệm vẫn đang đưa ra cảnh báo cho nhiều công ty có tình trạng tài chính yếu kém hơn là Gap hay Kohl’s. Chuyên gia của Moody’s Mickey Chadha cho hay: "Khi đại dịch ập đến, những xu hướng trong ngành bán lẻ đều tăng tốc. Mọi thứ lẽ ra có thể mất vài năm đã bị dồn lại chỉ trong một khoảng thời gian ngắn". Nhiều công ty cỡ nhỏ và trung bình trở nên sa sút và phá sản, ông nói thêm.

Ngay cả một số công ty lâu năm như Guitar Center hay Francessa’s cũng đã "đầu hàng" trước dịch bệnh và phải nộp đơn xin phá sản trong năm nay. Theo Moody’s, còn khá nhiều cái tên đang gặp rủi ro lớn cả về khả năng sinh lời, dịch vụ sản phẩm hay mở rộng quy mô. Và điều này dẫn đến nguy cơ có thêm những vụ phá sản lớn nữa trong năm sau.

Sức ép ngành bán lẻ Mỹ mùa lễ hội 2020 - Ảnh 4.