Nhịn ăn có thể áp dụng trên bệnh cấp tính và mạn tính đều có lợi ích. Trên bệnh cấp tính (cảm cúm, nhiễm siêu vi...), bệnh nhân thường không muốn ăn. Nếu cố ăn thì càng khó chịu, nặng bụng, thậm chí ói ra, mệt mỏi hơn, làm bệnh càng nặng hơn. Tốt nhất là nên nhịn ăn (vẫn uống) một hoặc hai bữa. Cơ thể con người có khả năng tự điều chỉnh, do đó tự cải thiện sức khoẻ, tự chữa bệnh.
Khi bị bệnh cấp tính, phản ứng tự nhiên của cơ thể là tập trung năng lượng để trị bệnh, do đó cần ức chế một số cơ quan không cần hoạt động liên tục, trong đó bộ máy tiêu hóa ưu tiên bị tạm ngưng hoạt động, hậu quả là bệnh nhân chán ăn, ngửi thấy thức ăn muốn ói... cần phải tuân thủ phản ứng tự nhiên của cơ thể. Nói cách khác nên nhịn ăn nhưng vẫn có thể uống. Nhịn một vài bữa ăn không lo suy dinh dưỡng vì cơ thể luôn có nguồn dự trữ, nếu bệnh nhân là người béo phì thì đây là dịp rất tốt để giảm cân, càng khoẻ.
Còn người bệnh mạn tính hay người bình thường, nhịn ăn có lợi gì? Cần biết rằng trong quá trình sống, ta luôn tiếp xúc với môi trường càng ngày càng độc hại (môi trường, ăn uống), do đó chắc chắn cơ thề ít nhiều bị nhiễm độc, là nguồn gốc của bệnh tật.
Nhịn ăn giúp bộ máy tiêu hóa được nghỉ ngơi gần như hoàn toàn, do đó giúp phục hồi toàn bộ niêm mạc của đường tiêu hóa, đã bị ít nhiều tổn thương trong quá trình tiêu hóa trước đây, từ đó giúp cho bộ máy tiêu hóa phòng chống lại rò rỉ các protein chưa được tiêu hóa hoàn toàn, đi xuyên qua niêm mạc ruột bị tổn thương, vào máu gây bệnh (bệnh lý tự miễn...). Nhịn ăn một thời gian giúp cải thiện hoạt động hệ tiêu hóa, giúp cơ thể ngăn chận những tác nhân gây bệnh từ ăn uống, giúp cơ thể tự thanh lọc, khử độc rất hiệu quả.
Nhịn ăn có thể gây ra nguy hại cho cơ thể (Ảnh minh họa)
Khi nhịn ăn, thiếu năng lượng cung cấp từ bên ngoài, cơ thể phải sử dụng những nguồn năng lượng sẵn có, ưu tiên chọn nguồn mỡ, đường, đạm dư thừa, kể cả tế bào, mô viêm, bất thường... theo một cơ chế gọi là tự tiêu, tự phân (tiêu hóa, phân hủy). Cụ thể như chuyển hóa mỡ dự trữ, phóng thích những axit béo tự do vào máu, đưa qua gan để tạo thành năng lượng. Khi lượng mỡ dự trữ được tiêu thụ càng nhiều thì nhiều chất độc hại đã bị ăn uống vào trong quá khứ, tích trữ trong những mô mỡ sẽ được phóng thích đưa vào máu và đào thải ra ngoài cơ thể.
Ngay cả những độc chất không tìm thấy trong thức ăn nhưng đã được cơ thể hấp thu từ môi trường xung quanh (qua đường hô hấp, qua da...) như chất DDT, một vài chất thuốc trừ sâu cũng tích trữ tại mô mỡ và được loại khỏi cơ thể trong quá trình nhịn ăn (điều này đã được chứng minh bằng các xét nghiệm tìm thấy DDT trong phân, nước tiểu, của những người đang thực hành phương pháp nhịn ăn). Ngoài ra, các độc chất có sẵn trong cơ thể từ quá trình tiêu hóa thực phẩm như axit uric - gây bệnh gout, urê, NH3... (ứ đọng quá nhiều do ăn uống dư thừa trong quá khứ) cũng được cơ thể "thanh toán" nhanh chóng, nhờ nhịn ăn.
Nhịn ăn là một quá trình thanh lọc cơ thể, giải độc tự nhiên, do đó có kết quả rất tốt trên hệ thần kinh, trí óc minh mẫn, sáng suốt, giảm lo âu, ngủ ngon. Để nhịn ăn có hiệu quả cao, tránh các tai biến cần phải nắm vững phương pháp.
Lần đầu nên nhịn ăn tập thể, trong một môi trường không khí trong sạch, luôn luôn có kết hợp luyện thở (tăng cường lượng oxy để thay thế phần nào thức ăn), thể dục nhẹ, tránh lao động nặng, stress và nhất là nên có một chuyên viên có kinh nghiệm hướng dẫn nhịn ăn, theo dõi và giúp đỡ, nhịn ăn nhưng không nhịn uống, uống kèm nước trái cây (juice fasting), thời gian nhịn ăn từ một đến ba ngày tùy bệnh lý, sức khoẻ. Nhịn ăn những lần sau có thể nhịn lâu hơn nhưng luôn luôn phải có chuyên viên theo dõi sát để phòng tai biến.