Nam giới mắc quai bị là vô sinh
Rất nhiều người cho rằng, nam giới mắc quai bị sẽ mất khả năng sinh con. Chính vì vậy, không ít nạn nhân vì tai tiếng bị quai bị mà khó lấy vợ.
Anh Hưng ở Sóc Sơn, Hà Nội là một trường hợp điển hình rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như vậy. Năm 27 tuổi, dự định cuối năm cưới vợ nhưng đầu hè anh đột nhiên anh bị sưng mang tai bên phải nhưng nghĩ rằng viêm tuyến nước bọt bình thường, dán cao dán vài ngày sẽ khỏi nên anh không đến bác sĩ kiểm tra.
Dán cao 4 ngày, đến nỗi vết dán phồng rộp vì nóng nhưng chỗ sưng không những không giảm chút nào mà người anh bắt đầu có dấu hiệu sốt nhẹ. Nhưng anh vẫn mua thuốc về uống rồi "đánh liều" ở nhà thêm vài ngày, đến khi sốt cao anh mới đến bệnh viện huyện khám. Bác sĩ cho biết, anh bị quai bị có dấu hiệu biến chứng nên chuyển lên tuyến trên.
Chuyển ra bệnh viện tuyến trung ương, cũng may chưa xảy ra biến chứng gì, điều trị mấy ngày sau thì anh khỏi bệnh. Hay tin anh bị quai bị, gia đình bạn gái kịch liệt phản đối chuyện cưới hỏi vì nghĩ anh bị quai bị và phải chuyển viện như vậy thì sẽ không còn khả năng sinh con. Nghe lời gia đình, bạn gái anh quyết định chia tay. Biết khó lấy vợ làng vì tai tiếng kia, anh rời quê đi làm ăn rồi quen một cô gái tỉnh xa. Sau hai năm, anh kết hôn và vẫn có được bé trai đầu lòng.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, quai bị là bệnh bệnh lành tính, tỷ lệ biến chứng rất thấp, chỉ chiếm 1/1000. Nam giới có thể gặp biến chứng viêm tinh hoàn sau khi sưng tuyến mang tai từ 7-10 ngày, không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến ống dẫn tinh có thể gây vô sinh. Tuy nhiên, bác sĩ Dũng cũng khẳng định không phải ai bị viêm tinh hoàn cũng dẫn đến vô sinh. Như bệnh nhân trên cũng bị quai bị, nhưng vẫn có thể có con.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh không tìm đến người lớn
Một suy nghĩ sai lầm nữa là quai bị chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ, tuổi vị thành niên, trưởng thành rồi thì miễn dịch hoàn toàn nên không cần có ý thức phòng bệnh. Thực tế, bệnh này có thể gặp ở bất kì đối tượng nào và ở các độ tuổi. Người lớn cũng có thể bị mắc bệnh nếu không tiêm ngừa phòng bệnh trước đó.
Như trường hợp bệnh nhân Hưng ở trên, dù đã 27 tuổi nhưng anh vẫn bị quai bị. Cũng may anh đến viện xử lý kịp thời nên tránh được những hậu quả đáng tiếc. Ngoài anh Hưng, rất nhiều người lớn khác cũng từng bị bệnh nhưng vì suy nghĩ sai lầm mà chậm trễ việc điều trị dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Vì suy nghĩ sai lầm này mà không ít bệnh nhân đến viện đều trong tình trạng bệnh đã nặng, để xảy ra biến chứng như viêm tụy cấp, viêm não, người thì viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng ở phụ nữ... Lúc này việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, vừa mất thời gian lại tốn kém và phải theo dõi biến chứng trong vòng 5 năm.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo quai bị một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do một loại siêu vi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra và rất dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt bệnh nhân. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ từ 3 tuổi trở lên, đặc biệt là trẻ ở tuổi học đường 5-6 tuổi. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm văcxin.
Bác sĩ Dũng cũng lưu ý, với những trẻ bị suy giảm miễn dịch như đang dùng corticoid, bị thận hư, khớp... nguy cơ bị biến chứng cao hơn nên bố mẹ cần chú ý theo dõi để đưa con đến viện kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, không nên bôi hoặc đắp những thứ thuốc dân gian như bôi vôi, bã trầu hoặc châm chọc ở tuyến mang tai... để tránh tình trạng nhiễm trùng và bệnh nặng thêm.
Người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách. Với trường hợp viêm tuyến mang tai không biến chứng thì nên nằm nghỉ nhiều. Người bệnh cần giữ ấm vùng tuyến mang tai, chăm sóc răng miệng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trong trường hợp có biến chứng viêm tinh hoàn thì nên mặc quần lót nâng dịch hoàn để giảm đau nhức.
Những người cần đề phòng ung thư tuyến nước bọt