Một đợt kháng sinh cũng dẫn đến kháng thuốc
Nhiều người có thói quen cứ bị ho, cảm lạnh hay khịt mũi là muốn dùng đến thuốc kháng sinh để nhanh khỏi. Nhưng có lẽ họ không ý thức được rằng mỗi lần sử dụng kháng sinh đặc biệt, nguy cơ kháng thuốc, tức thuốc sẽ không hiệu quả cho lần chữa trị sau sẽ gia tăng. Trước thực trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng đáng báo động, chúng ta đang đứng trước nguy cơ trở lại thời kỳ một nhiễm trùng nhỏ cũng có thể gây chết người. Thậm chí, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, không phải cứ dùng nhiều, mà chỉ cần một đợt kháng sinh cũng góp phần sinh ra kháng thuốc.
Các nhà khoa học Anh đã theo dõi một nhóm trẻ được cho uống một đợt kháng sinh để điều trị nhiễm trùng thông thường như viêm tai giữa và nhiễm trùng đường hô hấp. Ban đầu, 1/3 số trẻ tìm thấy vi khuẩn có gene kháng thuốc kháng sinh, nhưng 2 tuần sau đó, số trẻ này tăng lên gấp đôi. Còn trong một nghiên cứu khác ở Australia, trẻ uống kháng sinh trước thời điểm xét nghiệm 2 tháng mang lượng vi khuẩn đường hô hấp kháng penicillin gấp đôi so với thông thường. Điều đó có nghĩa là nếu đứa trẻ ấy lại bị viêm nhiễm khác trong vòng 2 tháng đó thì uống kháng sinh penicillin là vô ích.
Giống như tất cả các sinh vật sống, vi khuẩn có thể biến đổi gene để sống sót, thích nghi với môi trường sống có nhiều thay đổi, đó là nguyên nhân cơ bản của tình trạng kháng thuốc. Hậu quả của kháng thuốc kháng sinh như chúng ta có thể hình dung, đó là nhiễm khuẩn có xu hướng kéo dài lâu hơn, dễ gây biến chứng, khả năng lây nhiễm sang người khác tăng lên.
Australia là một trong những nước có tỷ lệ thuốc kháng sinh được kê đơn cao nhất trong các nước phát triển, khoảng 22 triệu đơn thuốc mỗi năm nhưng ước tính gần một nửa số này là không cần thiết. Không chỉ Australia, rất nhiều quốc gia khác cũng đã nhận ra tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, mà càng lạm dụng thuốc, nguy cơ hình thành các “siêu vi khuẩn” khó điều trị càng gia tăng. Bởi vậy, sử dụng thuốc kháng sinh cần phải tuân theo những nguyên tắc nhất định.
Ảnh minh họa.
Nguyên tắc cơ bản tránh kháng thuốc
Kháng sinh không diệt được virus. Hầu hết các bệnh cảm lạnh, cúm là do virus nên điều trị bằng kháng sinh không có tác dụng bởi kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn. Vì vậy, uống thuốc kháng sinh trong trường hợp nhiễm virus là vô ích và làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc.
Cân nhắc giữa lợi ích và tác hại. Nếu uống thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng thì đó là điều cần thiết. Nhưng những nhiễm trùng thông thường, như viêm tai giữa chẳng hạn mà dùng đến kháng sinh thì nên cân nhắc. Hướng dẫn điều trị của ngành y tế Australia chỉ ra rằng, viêm tai giữa nguyên nhân có thể do vi khuẩn hoặc virus. Bệnh thuộc dạng tự khỏi nên khoảng 60% trẻ bị bệnh thường hết đau trong vòng 24 tiếng mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt, buồn nôn hoặc biểu hiện có nhiễm trùng thứ cấp thì cần phải dùng kháng sinh.
Nên tư vấn kỹ. Nếu đơn thuốc kê kháng sinh, là người bệnh bạn nên được giải đáp cặn kẽ rằng, tại sao cần phải uống thuốc kháng sinh loại đó, tác dụng phụ thế nào, kết hợp giải pháp nào để hồi phục nhanh hơn.
Thực hiện đúng hướng dẫn. Để thuốc đạt hiệu quả cao nhất và tránh kháng thuốc, quan trọng nhất là thực hiện đúng quy định như liều lượng, thời gian, cách dùng.
Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp đơn giản của Đông y giúp giảm bớt những triệu chứng của viêm họng mạn tính và đề phòng những đợt cấp hoặc biến chứng của viêm họng