Sau khi Trung Quốc đưa tin có 3 trường hợp người Trung Quốc mắc bệnh và tử vong vì một loại cúm gia cầm, các cơ sở y tế ở các nước đã tích cực quan tâm và nhanh chóng có biện pháp phòng ngừa chủng cúm này.

Đây là những ca bệnh đầu tiên trên thế giới nhiễm chủng virus cúm mới này và đã có 2 trường hợp tử vong. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung Quốc thì cả ba trường hợp trên đều là do nhiễm virus cúm H7N9. Cả ba nạn nhân đều có triệu chứng sốt và ho rồi chuyển sang viêm phổi và suy hô hấp. 

Cúm A/H7N9 là cúm mới chỉ ghi nhận trên gia cầm. Đây là lần đầu tiên virus cúm này gây bệnh nặng trên người. Khi bệnh mới xuất hiện, các chuyên gia cho rằng, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người bởi qua theo dõi những người tiếp xúc với 3 nạn nhân thì không thấy ai có biểu hiện bất thường.

Virus cúm gia cầm mới H7N9: có thể lây từ người sang người 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo truyền thông chính thức của Trung Quốc thì tính tới tối 2/4, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc xác nhận thêm 4 trường hợp nhiễm virus cúm H7N9 mới. 

Tờ Tin tức Thế giới dẫn lời của Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Đài Loan (Trung Quốc) Trương Thượng Thuần cho biết, hiện nay có thể thấy bệnh cúm gia cầm ở Trung Quốc đã bị khuếch tán tương đối rộng. Trong số 7 ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9, có người không hoạt động trong ngành chăn nuôi, cũng chưa từng tiếp xúc với gia cầm hay chim, cho nên cần phải xem xét liệu có tồn tại hay không nguồn truyền bệnh từ một loại động vật khác, thậm chí là khả năng người lây sang người.

Hiện tại, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới chưa sản xuất được vắc xin cúm gia cầm chủng H7N9 để tiêm phòng cho đàn gia cầm. Vì vậy, việc phòng ngừa sự lây nhiễm bệnh từ nước ngoài chủ yếu được thực hiện qua việc kiểm dịch thú y. Người tiêu dùng chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được cán bộ thú y kiểm tra để sử dụng làm thực phẩm.

Bộ Y tế Việt Nam cũng đã có công văn lưu ý, đặc trưng của bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 ghi nhận được đến nay đều có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh dẫn đến suy hô hấp. Vì vậy, người dân nếu thấy có các triệu chứng như ho, sốt cao, viêm phổi nặng, có diễn biến bất thường... thì càng cần phải chú ý và đi khám kịp thời.

Để hạn chế dịch cúm A /H7N9, người dân không nên tiếp xúc với gia cầm không rõ nguồn gốc. Cơ quan chức năng cũng nên kiên quyết không để vận chuyển gia cầm lậu.



4 dịch bệnh nghiêm trọng nhất trong 9 năm đầu thế kỷ 21 
Virus cúm gia cầm mới H7N9: có thể lây từ người sang người 2