Dấu hiệu mắc bệnh
Hội chứng ống cổ tay là một trong những chấn thương thầm lặng liên quan đến công việc nhiều nhất, khiến hơn 2 triệu người phải khám bác sĩ hàng năm ở Mỹ. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh này cũng khá cao.
Ai dễ mắc bệnh?
Dễ mắc bệnh này nhất là những người làm công việc đòi hỏi phải cầm nắm hay gập lòng cổ tay thường xuyên: thợ mộc, nhân viên văn phòng, nhà văn, nhà báo, người thu tiền quầy tạp hoá, vận động viên bóng bàn... Người dùng máy vi tính thường xuyên cũng dễ mắc hội chứng này, khi cầm nắm con chuột thường xuyên trong tư thế sai khiến sự căng giãn lặp đi lặp lại ở vùng cổ tay gây vi chấn thương. Tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn nam giới, nhất là phụ nữ thời kỳ mãn kinh, có thai, đang dùng thuốc uống tránh thai; hoặc những người mắc bệnh mạn tính như viêm khớp, tiểu đường, suy thận...
Để phòng ngừa bệnh, cần cho các cơ bắp nghỉ ngơi thư giãn, năng xoa bóp để giúp phục hồi khả năng tuần hoàn, tăng tưới máu cho các nhóm cơ vùng vai, cổ, tay. Thường xuyên tập thể dục, nhất là với những người mà công việc bắt buộc phải ngồi nhiều, hoặc phải thực hiện những thao tác lặp đi lặp lại ở cổ tay.
Khi làm việc, cần chọn tư thế hợp lý, chẳng hạn ghế ngồi phải vừa tầm, mông cao hơn gối, lưng thẳng hay hơi ngả ra sau, tựa thắt lưng vào lưng ghế có ụ nhô ngang thắt lưng (lưng quần), hai chân chấm đất trong tư thế vững vàng nhưng thoải mái. Màn hình máy tính nên đặt ngang bằng hoặc thấp hơn tầm mắt một chút. Khi làm việc, những ngón tay có thể cong nhẹ hoặc duỗi ra mà không cần phải vặn cổ tay. Nếu được, để cổ tay tựa nhẹ lên tấm thảm chuột có một phần nhô lên bằng gel mềm. Bàn phím tốt nhất nên đặt thẳng hoặc thấp hơn khuỷu tay. Thực hiện chế độ ăn giàu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B.
Phần lớn các trường hợp hội chứng ống cổ tay có thể khỏi khi người bệnh thay đổi môi trường làm việc, thay đổi cách sống cho khoa học và hợp lý. Những trường hợp hội chứng ống cổ tay thể nặng phải được điều trị nội khoa tích cực, nếu không chuyển biến thì phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Điều trị bảo tồn bao gồm ý thức tránh các động tác sai, gập lòng cổ bàn tay lặp đi lặp lại; mang nẹp lòng cẳng bàn tay vào đêm để tránh cổ tay gập; uống thuốc kháng viêm không phải corticoid cho những ca nhẹ. Sử dụng hết sức dè dặt thuốc corticoid chích tại chỗ nếu thấy bệnh nặng không đáp ứng trị liệu bảo tồn nêu trên. Khi tê nặng ảnh hưởng công việc hay khi đã thấy teo cơ gò cái thì nên phẫu thuật giải ép cắt dải dây chằng mặt lòng cổ tay để giải phóng thần kinh giữa. Tập luyện lại bàn, ngón tay để sớm phục hồi vận động các ngón, đặc biệt làm nở lại cơ gò cái.
Cảnh giác với gãy đầu dưới xương quay
Gãy đầu dưới xương quay hay “gãy cổ tay”– một loại gãy nếu được điều trị không tốt sẽ bị can lệch, gây ra hội chứng ống cổ tay – thường gặp ở vận động viên hay người có tuổi bị loãng xương. Đây là loại gãy đầu xa xương quay cùng phía ngón tay cái. Gãy đầu dưới xương quay xảy ra khi té chống bàn tay đang duỗi hay gập. Gãy có thể đơn giản thành hai đoạn, hay gãy phức tạp với nhiều mảnh xương bể. Điều trị cho gãy đơn giản thường là nắn và bó bột. Gãy phức tạp phải được điều trị bằng phẫu thuật, mổ nắn và cố định dụng cụ. Thời gian lành xương là sáu đến tám tuần lễ. Phải chăm sóc kỹ khi đang bó bột. Nếu bột lỏng có nguy cơ xương nắn rồi lại bị di lệch, tạo can lệch sau này; vì thế phải giữ bột khô, dùng bao nilông che chắn kỹ khi lau mình hay tắm; đừng kéo gòn bao che da trong bột; đừng dùng vật lạ chọc vào trong bột để gãi ngứa; giữ không cho bụi, cát rơi vào trong bột; mời bác sĩ xem nếu bị ngứa hay da bị kích thích; đừng bẻ gãy hay xén rìa bột mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Khám bác sĩ ngay khi thấy các triệu chứng sau: đau gia tăng và cảm giác bột bó quá chặt; tê và có cảm giác châm chích ở bàn tay; cảm giác nóng, châm chích do da quá căng; sưng quá mức bàn, ngón tay do mạch máu lưu thông kém; mất điều khiển ngón tay.