Đây là kết quả mà các nhà nghiên cứu từ Đại học Emory, Atlanta đã kết luận trong nghiên cứu mới của họ.

Mặc dù axit béo omega-3 có trong thịt cá vẫn được khẳng định là chất rất tốt cho hệ tim mạch và có thể bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ đột quỵ nhưng điều đó không có nghĩa là bất cứ cách chế biến cá nào cũng tốt. Và mới đây, trong một nghiên cứu của Đại học Emory, các nhà khoa học đã cho biết việc chiên cá phá hủy các axit béo tự nhiên có lợi cho sức khỏe của chúng ta.

Dẫn đầu nghiên cứu là Fadi Nahab, Giáo sư của Đại học Emory, Atlanta, và cũng là thành viên của Viện Hàn lâm Thần kinh học Mỹ, cho biết chủng tộc và vị trí địa lý nơi chúng ta sinh sống ảnh hưởng tới khẩu phần cá chiên mà chúng ta ăn, mức độ thường xuyên của việc ăn chúng và do đó những ai sống ở vùng có nhiều cá để chế biến thường sẽ có nguy cơ cao hơn.
 
 
Nahab và nhóm nghiên cứu thu thập và phân tích dữ liệu trên 21.675 cá nhân với sự khác biệt địa lý và chủng tộc nhằm xem xét khả năng bị đột quỵ của các đối tượng này. Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là từ 60-65 tuổi. Khoảng 1/5 số người tham gia sống trong khu vực dễ bị đột quỵ trong đó bao gồm các khu vực ven biển đồng bằng Bắc và Nam Carolina, cũng như Georgia. Tỷ lệ đột quỵ trong các khu vực này thậm chí còn cao hơn trong các vùng gần biển khác.

Mỗi người tham gia đã được trao đổi với các chuyên gia thông qua một cuộc phỏng vấn qua điện thoại và sau đó được kiểm tra thể chất tại nhà. Các nhà điều tra cũng hỏi họ về mức độ thường xuyên ăn đồ biển, cá ngừ, hàu, cá chiên và không chiên.
 
Gần ¼ số người tham gia có nguy cơ đột quỵ cao đã thú nhận rằng họ ăn ít nhất hai khẩu phần cá chiên mỗi tuần. Chúng ta nên ăn cá hai lần một tuần hoặc nhiều hơn, đặc biệt là cá béo, theo Hiệp hội tim mạch Mỹ, nhưng chắc chắn không phải là cá chế biến theo kiểu chiên rán.