Cao 1m6, nặng gần 60kg, "hơi tròn" nên chị Vy (TP HCM) luôn tự ti về vóc dáng của mình. Cứ vài tháng chị quyết tâm kiêng ăn một lần, xong một đợt sụt được 1-2 ký lô, lại ăn uống như bình thường tiếp. Cân nặng lại cứ thế lên vèo vèo. "Tạng người tôi rất dễ lên cân, chỉ cần ăn đủ đầy một chút là béo ngay. Nhịn ăn thì xuống được cân nhưng người rất mệt mỏi, cảm giác cứ run run", người phụ nữ tuổi xấp xỉ 40 này cho biết.

Cũng vì ăn kiêng theo chế độ 13 ngày, vốn được nhiều quý bà truyền miệng nhau, chị Thủy ở quận 1, TP HCM, mới đây phải vào bệnh viện cấp cứu lúc giữa đêm. Bác sĩ đã phải truyền liên tiếp 3 chai nước biển mới giúp chị hồi phục lại sức khỏe.
 
Làm ở nhà in, công việc khá vất vả nhưng người mẹ này cứ phát phì thêm ra chứ không thon thả như trước khi sinh đứa con thứ 2. Ông chồng thỉnh thoảng ngắm vợ xong lại tặc lưỡi: "Vợ dạo này cứ đẫy đà ra", làm chị chột dạ. Được đồng nghiệp mách cách ăn giảm béo trong 13 ngày có thể sụt được đến 7 kg, chị Thủy mừng quá áp dụng ngay. Theo cách ăn này, thực đơn thay đổi thường xuyên theo ba bữa từng ngày nhưng mỗi bữa chỉ ăn vài lát rau, hoặc củ cà rốt, trái cây, uống nhiều nước. Đêm không được ăn.

Chị Thủy kể, ăn theo chế độ đến ngày thứ 3, bao tử vốn đã yếu nên sôi ầm ầm, người bủn rủn cả tay chân nhưng vẫn cố nhịn. Ngày thứ 4 chỉ đi làm được nửa ngày thì chị xin về nhà nghỉ vì quá mệt mỏi. Chồng lo lắng, can ngăn vẫn không thuyết phục được vợ bỏ kiêng. "Đến tối ngày thứ 5, dạ dày tôi lồng lên, ói mật xanh mật vàng, đầu óc choáng váng rồi tôi ngất xỉu lúc nào không hay. Tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện", chị Thủy cho biết.

Mất một tháng để điều trị dạ dày, không ăn uống gì được, sau đợt này, chị Thủy sụt được 3 kg thật nhưng vì ốm chứ không phải chế độ ăn kiêng 13 ngày. Bác sĩ kết luận chị bị rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày vì giảm ăn đột ngột.

Số đo ba vòng đúng chuẩn là niềm ao ước của rất nhiều quý bà. Ảnh: ngoisao.net

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn kiêng giảm cân không có nghĩa là nhịn ăn, mà cũng phải theo chế độ cân bằng dinh dưỡng thì mới đảm bảo được sức khỏe. "Cần nhớ một nguyên tắc vàng: không có thực phẩm tốt hay thực phẩm xấu, chỉ có chế độ ăn tốt hay xấu mà thôi", một bác sĩ ở Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM nhắc nhở.

Theo vị bác sĩ này, trong ngành dinh dưỡng đã dần dần hình thành nên một khái niệm gọi là chế độ ăn cân bằng, giúp duy trì đồng đều các yếu tố như nhu cầu năng lượng, cân nặng, đồng thời phòng tránh nguy cơ của tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng và những căn bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch và ung thư...

Thực tế cho thấy có một số chế độ ăn kiêng giảm cân khiến người áp dụng phải “hy sinh” quá nhiều. Chẳng hạn trong một số trường hợp thân hình tuy có “mi nhon” hơn nhưng sau đó lại thường xuyên chóng mặt, nhức đầu vì thiếu máu. "Thậm chí không ít người trở nên xanh lướt như tàu lá vì ăn quá nhiều rau xanh", chuyên gia dinh dưỡng này nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, một huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ cũng khuyên: "Nếu muốn giảm cân, chị em không nên nhịn ăn hay ăn kiêng rất có hại cho sức khỏe, mà hãy tăng cường luyện tập cơ thể như nhu cầu ăn hàng ngày". Theo bà Lan, nhiều chị em đi tập thể dục thẩm mỹ, thấy sụt được vài kg đã thấy mừng và không tập nữa. Kết quả là cân nặng lại lên vèo vèo vì cơ thể không được rèn luyện để đốt cháy năng lượng thừa. Hơn nữa sau một thời gian tập thể dục kết hợp với ăn kiêng, sự thèm ăn của cơ thể lại càng tăng hơn trước nên nhiều người không kiểm soát được chế độ ăn uống của mình.

Bác sĩ Từ Thị Mỹ Liên, chuyên gia dinh dưỡng Công ty Nestle Việt Nam cho rằng, bí quyết của chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng không dựa trên yếu tố ăn gì (như không cần gân nai, cao hổ cốt hay tay gấu...), mà chỉ cần 3 yếu tố đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện dễ dàng. Đó là cân bằng, đa dạng và điều độ.

Cụ thể, chế độ ăn cân bằng cần đầy đủ dinh dưỡng gồm carbonhydrat (đường, tinh bột, chất xơ), đạm (đạm động và thực vật), béo (dầu, mỡ). Ngoài ra cơ thể còn cần các chất dinh dưỡng vi lượng không cung cấp năng lượng gồm vitamin và chất khoáng.

Khối lượng lý tưởng bữa ăn nên cân đối theo tỷ lệ 50% tinh bột; 25% thịt, trứng, cá; 25% trái cây và rau củ. Nên chia thành 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ xen kẽ. Bảo đảm lượng nước cho cơ thể ở mức 1,5-2 lít một ngày tùy theo tuổi tác, nhu cầu, hoạt động, thời tiết...

Lý tưởng nhất, theo bác sĩ Liên, là nên đo lường số lượng thức ăn bằng vật cụ thể, để đảm bảo ăn vừa đủ, không quá nhiều, quá no; cũng không nên để quá đói và không được bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Ví dụ, một người mỗi bữa chỉ cần ăn lượng rau quả, trái cây nắm trọn trong một nắm tay là đủ. Người lớn thì nắm tay rau trái sẽ nhiều hơn người nhỏ, nhưng phù hợp với thể trạng của mỗi người. Một phần cơm, ngũ cốc hay kem to bằng trái banh tennis; miếng phomai cỡ đầu ngón tay cái, đậu (hạt hoặc kẹo) vừa trong lòng bàn tay; phần thịt cá bằng lòng bàn tay... là đủ cho một bữa ăn.

Ngoài ra, chế độ ăn “cầu vồng”: có màu xanh của rau, màu đỏ của thịt, màu vàng của củ... là rất cần thiết, theo bà Liên. "Bàn ăn của bạn càng có nhiều màu sắc của nhiều thực phẩm bao nhiêu thì chất dinh dưỡng cung cấp càng đầy đủ bấy nhiêu", bác sĩ này khuyến cáo.
 
Theo VnExpress