Qua
khảo sát của phóng viên aFamily về hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong trong gia
đình, thì lý do để biện minh nhiều nhất về nguyên do sử dụng bếp là bởi vì quá rẻ.
Trong thời buổi các chất đốt khác đều tăng giá, đặc biệt là giá gas luôn dao động
từ 180.000 - 210.000 đồng/ bình, thì than tổ ong chỉ từ 1.500 – 2000/viên. Thậm
chí nhiều gia đình có bếp gas vẫn sử dụng thêm bếp than trong ninh, hầm, nấu
cháo… để tiết kiệm.
Bếp than tổ ong vừa rẻ lại vừa tiện.
Một
lý do nữa không kém phần thuyết phục thuộc về những người nghỉ hưu, họ sử dụng
bếp than một phần cũng do cảm thấy tiện hơn bếp gas. Bác Huy (55 tuổi, Mai Dịch
- Cầu Giấy) cho biết: "Bây giờ về hưu có nhiều thời gian hơn, nhóm bếp than lên đun vừa tiện lại vừa tiết
kiệm, hơn nữa tôi cũng sợ dùng bếp gas vì không quen và… sợ nổ!".
Người dân có nhiều lý do để lựa chọn bếp than tuy nhiên không phải ai cũng lưu tâm đến những nguy hiểm mà bếp than tổ ong mang lại.
Hiểm họa từ than...
Theo ông Phạm Gia Tuấn (Minh Khai, Hà Nội) – một người
sản xuất bếp than gần 20 năm cho biết trên thị trường có rất nhiều loại than
cho người dân lựa chọn nhưng có hai loại than người dân không nên sử dụng đó là
than bẩn và đặc biệt là than siêu cháy.
Than bẩn thường chỉ được sử dụng trong công nghiệp, là những
loại than tạp chất có hàm lượng lưu huỳnh cao, nhưng với tâm lý thích mua hàng
rẻ thì nhiều người lại lựa chọn loại than này.
Người dân phải cẩn
trọng ngay từ khâu chọn than
Than tổ ong siêu cháy, đắt hơn so với than bình thường khoảng 500 đồng
bởi vì có ưu điểm là rất đượm lửa và cháy lâu. Nhưng loại than này khi
cháy bốc ra mùi hắc, rất khó chịu khiến người ngồi lâu bên bếp than sẽ cảm thấy
hơi tức ngực và khó thở. Sở dĩ loại than này siêu cháy bởi trong quá trình trộn
than họ đã được thêm vào dầu nhớt được thải ra từ các cửa hàng sửa chữa, bảo
hành xe máy với giá 10.000 -20.000 đồng/lít.
Việc sử dụng các loại dầu cũ chính là nguyên nhân gây tức ngực và khó thở
cho người sử dụng loại than này vì trong các loại nhớt thải từ ô tô và xe máy
cũ có chứa rất nhiều kim loại độc hại nặng như asen, crôm, cùng các sản phẩm
kim loại đốt cháy không hoàn toàn. Khi than cháy, các phân tử kim loại có thể
theo khói đi vào phổi người sử dụng.
Theo TS Phạm Duệ - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết,
năm nào cũng có hàng chục trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí than phải điều trị,
không ít trường hợp tử vong. Từng xảy ra ca ngộ độc khí than quá nặng do thời
gian thiếu không khí và hít phải khí carcon oxide (CO) lâu quá dẫn tới mất phản
xạ ở vỏ não, phải sống đời sống thực vật.
... tới
bếp
Hiện
nay hầu hết người dân sử dụng bếp than tổ ong đều dùng bếp bông (làm bằng bông
chịu nhiệt) vì nhiều ưu điểm: nhiệt ích rất cao trên 55% - siêu nhẹ - siêu tốc-
nhiệt độ cháy cao có thể đạt tới 1.300 độ C. Đặc biệt hơn bếp bông có ưu điểm là siêu nhẹ và siêu khử mùi.
Bà Oanh, (chủ quán một quán phở tại Lò Đúc) cho biết: “Trước kia nhà tôi sử dụng bếp than đất, khi nhóm rồi đun rất mùi, may có cái bếp bông này vừa cháy tốt lại không có mùi khách ăn cũng đỡ kêu vì mùi than”.
Lõi của bếp than bông.
Khi lớp vỏ bị bong, các hạt bụi hình que dễ dàng lẫn vào không khí
Nhìn bề ngoài, loại bếp bông được quảng cáo là “siêu nhẹ, siêu
bền” cũng giống như các loại bếp than tổ ong khác. Nhưng lớp giữa của thân bếp
được chèn bằng bông (bông thủy tinh ceramic, hay bông a-mi-ăng), lớp trong cùng
là vữa thông thường. Nhà sản xuất bếp than sử dụng bông mục đích là để giữ
nhiệt.
Vấn đề lại ở chỗ để đạt hiệu quả cao, nhà sản xuất chỉ trát qua một lớp vữa xi măng cứng mỏng (để định hình ban đầu). Khi đun, lớp vữa trát sẽ nhanh chóng bong ra để hở lộ rõ bông thủy tinh và sẽ bị than cọ sát làm gẫy vụn, nhiệt độ cao bào mòn gây rỗng dần ruột lò với tốc độ khá nhanh (khoảng 0,3 cm3 một ngày đêm). Lúc đó, các hạt bụi hình que cắm sâu vào niêm mạc cơ quan hô hấp gây nên một loạt bệnh về hô hấp, tiêu hóa như: viêm phế quản mạn tính, làm hạn chế không khí do hẹp đường thở, xơ hóa ống tiểu phế quản, ung thư đường hô hấp, ung thư phổi, ung thư đường tiêu hoá...
Người phải dân tự bảo vệ mình
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Gia Tuấn thông tin thêm : “Hậu quả của việc sử dụng các loại bếp than kém chất lượng, các loại than bẩn không phải người dân không biết. Nhưng nếu cấm người dân không sử dụng bếp than nữa là không thể, bởi tính tiết kiệm và hữu dụng của bếp than. Tuy nhiên để người dân có thể bảo vệ được mình thì cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Với các nhà quản lý cần có chế tài cụ thể trong việc sản xuất bếp than, than đảm bảo chất lượng, về phía nhà sản xuất thì tự ý thức được nguy hiểm do các sản phẩm kém chất lượng đối với người dân và môi trường".
Ông Phạm Gia Tuấn bên sáng chế bếp than không sử dụng bông.
Như vậy để dùng than mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của gia đình và cộng đồng người dân nên chú ý lựa chọn các loại than sạch được sản xuất ở những cơ sở có uy tín mặc dù giá thành cao nhưng đảm bảo cho sức khỏe của gia đình. Trong việc chọn lựa bếp than thì đặc biệt kiên quyết không sử dụng các loại bếp bông có sử dụng bông a-mi-ăng bởi những tác hại khôn lường của loại bếp này đối với sức khỏe.
N.C.K