Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính đến năm 2020, bệnh tim mạch chiếm khoảng 40% tỷ lệ người chết vì bệnh trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh tim mạch chính là những rắc rối trong việc tuần hoàn máu. Những trở ngại trong quá trình tuần hoàn máu ở các động mạch và tĩnh mạch sẽ làm cho các cơ quan và tế bào trong cơ thể bị thiếu hụt nguồn cung cấp ô-xy cũng như chất dinh dưỡng.

Hệ thống tuần hoàn của cơ thể (hay còn gọi là hệ thống tim mạch) bao gồm một máy bơm (tim), một hệ thống mạch có áp suất cao giữ nhiệm vụ phân phối (các động mạch), các mạch trao đổi và tập hợp những mạch có áp suất thấp giữ nhiệm vụ chuyển hồi (các tĩnh mạch). Hệ thống tuần hoàn có chức năng điều chỉnh và hợp nhất các chức năng trong cơ thể thành một khối thống nhất, cung cấp nguồn dinh dưỡng và ô-xy liên tục cho các bộ phận khác nhau trong cơ thể. Chúng còn đóng góp vào việc loại thải các chất độc (những sản phẩm phụ của hệ tiêu hóa). Chính vì vậy, nếu máu không được lưu thông tốt, tình trạng nhẹ nhất mà chúng ta gặp phải sẽ là cảm giác tê cóng và ngứa ran ở các ngón tay, chân. Ở mức độ nặng nhất, chúng có thể gây đau tim hoặc đột quỵ do thiếu hụt ô-xy trong máu, khiến máu không đến được các cơ quan quan trọng.

Sự tuần hoàn của máu có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống không có lợi cho sức khỏe, không tập luyện thể dục thể thao, những thói quen và lối sống không lành mạnh. Vì vậy, để hệ tuần hoàn hoạt động tốt, bạn cần thay đổi cách sinh hoạt và ăn uống. Sau đây là một số bí quyết giúp làm tăng khả năng tuần hoàn của máu.
 

1. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục là một trong những cách hiệu quả nhất để làm tăng sự tuần hoàn máu. Chỉ cần 30 phút tập luyện đều đặn từ 4 đến 5 lần trong một tuần là đủ để hạn chế một cách cơ bản các nguy cơ có liên quan đến tim mạch. Đây cũng là cách làm tăng hoạt động bơm máu của tim và tăng số lượng các mao dẫn. Việc tập luyện chỉ bao gồm các hình thức hoạt động chân tay khá đơn giản như đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, đạp xe đạp hoặc bơi… chứ không nhất thiết phải cần đến các bài tập nặng ở những trung tâm thể dục thể thao. Những hoạt động đơn giản là biện pháp tuyệt vời để cải thiện tỷ lệ tuần hoàn máu. Nếu không có thời gian, bạn có thể tập vài động tác đơn giản tại nhà như xoay cổ chân, cánh tay theo vòng tròn. Đi loanh quanh trong nhà hoặc trong văn phòng cũng giúp máu lưu thông tốt hơn.

2. Chế độ ăn lành mạnh

Để sống khỏe, bạn cần phải xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh. Tránh tiêu thụ quá mức bất kỳ loại thức ăn nào, đặc biệt là những thứ chứa nhiều chất béo bão hòa như các sản phẩm từ sữa, dầu ăn đã được hy-đrô hóa… Thay vào đó, hãy ăn nhiều chất béo có lợi như các a-xít béo ô-mê-ga 3 và các a-xít béo đơn chưa no. Bên cạnh đó, cần ăn thật nhiều các loại rau có màu xanh đậm, trái cây và lương thực thô. Hạn chế tiêu thụ đường, muối, tăng cường thêm chất xơ trong khẩu phần ăn. Chế độ ăn uống không phù hợp có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho mức cholesterol trong máu, là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành các mảng bám trong thành động mạch khiến máu không thể chảy thoải mái như bình thường, gây cản trở cho quá trình tuần hoàn máu bình thường của cơ thể.

3. Những thức uống có lợi cho sức khỏe

Lượng huyết thanh chính là yếu tố quyết định huyết áp và chức năng tuần hoàn của máu. Mất nước có thể làm giảm bớt lượng máu do lượng nước của máu suy giảm. Ở mức độ nghiêm trọng, sự mất nước sẽ là nguyên nhân khiến tỷ lệ tuần hoàn của máu giảm sút. Do đó, cần uống thật nhiều nước để cơ thể luôn được cung cấp đủ nước.

4. Xây dựng một lối sống năng động

Lối sống ít vận động của cuộc sống hiện đại đã làm chậm tỷ lệ hoạt động của hệ tuần hoàn và gây ra khá nhiều rắc rối cho sức khỏe. Hãy xây dựng một lối sống lành mạnh và năng động bao gồm nhiều hoạt động ngoài trời như làm vườn, đi dạo cùng chú chó cưng hoặc tập luyện những môn thể thao có tính chất tiêu khiển như đá bóng, chơi golf hoặc tennis… Ngủ đủ giấc và học cách đương đầu với stress cũng là một yêu cầu cần thiết để có thể cải thiện khả năng tuần hoàn máu. Stress - vốn có thể làm các cơ bị căng thẳng – sẽ dẫn tới các rắc rối khá nghiêm trọng cho hệ thống tuần hoàn và gây ra những căn bệnh về tim mạch. Những bài tập thư giãn như yoga hoặc thiền giúp phục hồi trạng thái cân bằng cho cơ thể. Ngoài ra, yoga và các bài tập thở cũng được đánh giá là có công dụng lọc máu, nhờ vậy sẽ cải thiện hệ tuần hoàn.
 
 
5. Sử dụng phương pháp điều trị bằng thảo dược
 
Một số loại thảo dược như ớt sừng, gừng, tỏi và bạch quả có tác dụng hỗ trợ cho sự tuần hoàn máu. Cây hương thảo và dâu dại vẫn được cho là có khả năng điều chỉnh và làm ổn định huyết áp. Những thức ăn có nhiều gia vị cũng rất tốt cho hệ tuần hoàn. Khi ăn nhiều thức ăn có chứa gia vị, nhiệt độ trong cơ thể sẽ tăng lên. Nhờ đó, tim sẽ đập nhanh và máu lưu thông tốt hơn.

6. Mát-xa

Mát-xa là một trong những phương pháp giúp cải thiện khả năng tuần hoàn tốt và lâu đời nhất. Đây không chỉ đơn giản là một kỹ thuật giúp thư giãn mà còn mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Cơ thể bị đau nhức là do sự thiếu hụt lượng ô-xy cung cấp đến các cơ khiến cho chúng bị căng, gây ra các cơn co rút. Mát-xa sẽ làm dịu các cơ đang bị căng và giúp vận chuyển ô-xy đến các cơ.

7. Tận dụng những lợi ích từ tư thế của cơ thể

Cơ thể của chúng ta luôn chịu sự tác động của trọng lực. Lực hút của trái đất luôn kéo máu đi xuống dưới, ra xa khỏi tim. Chính vì vậy, thay đổi tư thế của cơ thể là một trong những cách dễ dàng nhất để cải thiện sự tuần hoàn cục bộ. Tận dụng trọng lực để hỗ trợ cho hoạt động của hệ tuần hoàn bằng cách thay đổi vị trí của cơ thể sao cho tim luôn nằm bên dưới vị trí mà bạn muốn tăng hoạt động tuần hoàn của chúng. Một số động tác của môn yoga như đứng bằng vai hoặc bằng đầu… chính là các động tác áp dụng nguyên lý hoạt động của lực hút trái đất đã nêu trên.

8. Lựa chọn các biện pháp chữa bệnh bằng nước

Những biện pháp chữa bệnh bằng nước bao gồm tắm nước ấm, tắm hơi, tắm nóng lạnh (thay đổi giữa nước nóng và nước lạnh)… Liệu pháp chữa bệnh bằng nước (hay còn gọi là thủy liệu pháp) hướng đến mục tiêu giúp cơ thể thư giãn, làm giãn nỡ các mạch máu ngoại biên (động mạch và tĩnh mạch ở chân, tay, vùng bụng dưới, cánh tay, cổ và đầu), giúp máu di chuyển nhanh và nhẹ nhàng hơn. Đây chính là những dấu hiệu của sự tuần hoàn máu đúng cách.

9. Bỏ thuốc lá

Thuốc lá chính là yếu tố đầu tiên chịu trách nhiệm cho những căn bệnh của hệ thống mạch ngoại biên (bệnh về các mạch máu bên ngoài tim và não). Chúng gây ra những thay đổi theo hướng làm thoái hóa phần bên trong các mạch máu, dẫn đến việc làm xơ cứng các động mạch. Hệ quả là máu không thể tuần hoàn tốt.