Đã có 3.372 trường hợp nhiễm bệnh Ebola tử vong tại 7 quốc gia

Tính từ tháng 12/2013 đến ngày 1/10/2014, trên thế giới, 7.227 trường hợp đã mắc Ebola, trong đó 3.372 trường hợp tử vong tại 7 quốc gia. Cụ thể, Guinea: 1.157 trường hợp mắc, trong đó 710 trường hợp tử vong; Liberia: 3.696 trường hợp mắc, trong đó 1.998 trường hợp tử vong; Sierra Leone: 2.304 trường hợp mắc, trong đó 622 trường hợp tử vong; Nigeria: 20 trường hợp mắc, trong đó 08 trường hợp tử vong; Congo: 70 trường hợp mắc, trong đó 42 trường hợp tử vong; Senegal  và Mỹ mỗi nước có 1 trường hợp mắc. Đáng chú ý, 385 trường hợp là cán bộ y tế đã mắc Ebola, trong đó có 224 trường hợp tử vong.

Thông tin được Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) - Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế đưa trên website của Cục ngày 3/10 cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới vừa thông báo về trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính tại vùng Trung Đông (MERS-Cov) đầu tiên được ghi nhận tại Áo. Bệnh nhận là nữ 29 tuổi, công dân Ả rập Saudi (SAU), tới Viên (Áo) vào ngày 22/9 trên chuyến bay số QR 183 của hãng Qatar Airways từ Doha (Qatar). Cô này đã đi Riyadh (Ả rập Xê út) từ Affif bằng ô tô, bệnh nhân chờ khoảng 3,5 tiếng trước khi đáp máy bay tới Doha (Qatar) vào ngày 22/9.

Cũng trong ngày 29/9/2014, bệnh phẩm huyết thanh, nước tiểu và đường hô hấp dưới được lấy để xét nghiệm. Vào ngày 30/9, xét nghiệm cho kết quả dương tính với MERS-CoV.

Trước đấy, ngày 30/9/2014, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) xác nhận các bệnh đầu tiên được xác định mắc bệnh Ebola tại Mỹ.

Bệnh nhân từ Liberia đi du lịch tới Dallass và Texas vào ngày 20/9/2014, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng vào ngày 24/9/2014 đã đi khám bệnh tại bệnh viện ở Dallas vào ngày 26/9/2014, sau khi khám bệnh nhân viên y tế phát hiện bệnh nhân có những triệu chứng giống như triệu chứng của bệnh Ebola và được nhập viện ngày 28/9/2014. Dựa trên tiền sử và những triệu chứng, CDC đã tiến hành cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, kết quả xét nghiệm dương tính với Ebola được công bố vào ngày 30/9/2014.

Bộ Y tế ra công văn khẩn về tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh Ebola 1
Trước tình hình dịch bệnh do virus Ebola vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã có công văn về tăng cường biện pháp phòng chống bệnh. Ảnh minh họa

Chủ động trong phòng chống dịch bệnh do virut Ebola

Để chủ động trong phòng chống dịch bệnh do virut Ebola ngày 3/10, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường biện pháp phòng chống bệnh Ebola.

Theo công văn trên, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục thực hiện công điện số 1392 ngày 9/8 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola.

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành y tế triển khai thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola để có những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; theo dõi sức khỏe đối với những người đi từ vùng dịch bệnh do virus Ebola về cư trú trên địa bàn tỉnh, thành phố; tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân, khách du lịch về diễn biến tình hình dịch và các biện pháp phòng chống hiệu quả đối với bệnh do virus Ebola; chuẩn bị sẵn sang cơ sở điều trị, trang thiết bị khám chữa bệnh, thuốc, hóa chất phòng chống dịch để cách ly, chẩn đoán, điều trị cho người mắc bệnh do virus Ebola; thực hiện công tác thông tin, báo cáo dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Còn tại Việt Nam, qua công tác giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu của Việt Nam từ ngày 11/8 đến 1/10/2014, 42 người là công dân Việt Nam và 201 người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia Tây Phi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh do virus Ebola.

Theo Bộ Y tế, mặc dù cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Ebola nhưng qua theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và tình hình khách nhập cảnh tại các cửa khẩu của Việt Nam, Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh do virus Ebola có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam.

Hiện nay, trong bối cảnh chưa có biện pháp điều trị hiệu quả và chưa có vắc xin phòng bệnh, việc nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ gây nhiễm Ebola và các biện pháp bảo vệ cá nhân là cách duy nhất để giảm nhiễm bệnh và tử vong ở người.

Cần tránh tiếp xúc cơ thể gần với bệnh nhân Ebola.

Nên mang găng tay và trang thiết bị bảo vệ cá nhân thích hợp khi chăm sóc cho người bệnh tại nhà.

Rửa tay thường xuyên sau khi đi thăm bệnh nhân ở bệnh viện, cũng như sau khi chăm sóc người bệnh tại nhà.

Những cộng đồng bị Ebola cần thông tin cho người dân về tính chất của bệnh và về các biện pháp kiềm chế dịch bệnh, bao gồm việc mai tang người chết. Những người bị chết do Ebola cần được mai táng kịp thời và an toàn.

Thường xuyên lau chùi nền nhà, vật dụng, cầu thang… bằng chloramin B hoặc hóa chất diệt khuẩn.

Nếu thấy có dấu hiện của bệnh do vi rút Ebola phải đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị cách ly.