Trong 100g dưa chuột có 95g nước, 0,8g protit, 3g glucit, 0,7g xenlulo, tương đương với nhiều loại rau tươi khác như cải sen, cải cúc, cải xoong, cải thìa... Ngoài ra trong dưa chuột còn có nhiều loại vitamin và muối khoáng cần thiết cho cơ thể như caroten 0,3 mg trong 100g, vitamin B1 0,03 mg, vitamin B2 0,04mg, vitamin PP 0,1 mg, vitamin C 5 mg, can xi 23 mg, photpho 27 mg, sắt 1 mg...

Ảnh minh họa.

Mùa hè, lao động ngoài nắng nóng, mồ hôi ra nhiều, khát nước chỉ cần ăn mấy quả dưa chuột tươi sẽ thấy đỡ khát, đỡ mệt nhiều, vì cơ thể được cung cấp một lượng nước ngon ngọt mát, có nhiều vitamin C và muối khoáng. Ngoài ra bà con ta còn dùng dưa chuột xào, nấu canh, nấu súp, thái nhỏ ăn sống như rau tươi, hoặc muối chua ăn như măng, dưa hành... Gần đây chúng ta phát triển loại dưa chuột bao tử, chế biến cẩn thận và đóng trong các lọ thủy tinh hoặc hộp, ăn ngon, giòn, nhiều vitamin C.

Theo những nghiên cứu gần đây, nước ép dưa chuột có thể hoà tan axit uric và muối urat nên có tác dụng lợi tiểu, bài sỏi, phòng chống bệnh thấp khớp, thống phong, đồng thời còn là một vị thuốc an thần, giảm sốt, chữa một số bệnh ngoài da như nứt nẻ da, tàn nhang, nếp nhăn... nên có giá trị như một loại mỹ phẩm.

Dưa chuột nghiền lấy nước hoặc thái thành lát mỏng thoa lên mặt, lên tay, chân, có tác dụng làm da nhẵn, mịn màng, tẩy tàn nhang và xoá nhẹ những nếp nhăn, được người dân Nhật Bản và một số nước dùng rất phổ biến.

Ngoài những cách dùng đơn giản, ở nhiều nước người ta còn chế ra các loại nước hỗn hợp gồm dưa chuột phối hợp với một số rau quả khác như táo, chanh, cà rốt... ép lấy nước, hoặc làm thuốc mỡ dưỡng da dưa chuột để bôi và đắp tươi lên da giữ làn da đẹp, mịn màng. Ngoài ra nó còn có tác dụng chống rộp da, bong da vì ánh nắng gay gắt mùa hè.

Theo Khoa học & Đời sống