Vì triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do vi rút thông thường, nên khi trẻ bị mắc căn bệnh này thường không được phát hiện sớm, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh có xu hướng gia tăng
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 136 trường hợp mắc viêm não vi rút, trong đó có 5 trường hợp tử vong; viêm màng não mô cầu có 24 ca, trong đó 2 ca tử vong.
Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam, tình hình bệnh viêm não vi rút đang bùng phát như Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh… Số trẻ nhập viện vì viêm não và viêm màng não có sự gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, đã có 12 trẻ bị viêm não và 30 trẻ bị viêm màng não đang điều trị. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tính từ đầu tháng 4 đến nay cũng đã có 27 trẻ phải nhập viện do bệnh viêm não và viêm màng não do virus.
Trước nguy cơ trên, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định, mặc dù chưa phải vào giai đoạn cao điểm của dịch bệnh viêm não vi rút nhưng số người mắc trong những tháng qua đã tăng cao, đây là dấu hiệu rất đáng báo động và dự báo trong những tháng hè tới, số người mắc căn bệnh nguy hiểm này sẽ tăng đột biến. Tuy nhiên, Cục trưởng Trần Đắc Phu cũng cho biết, mặc dù viêm não là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và không hề khó khăn. Bởi lẽ hiện nay đã có nhiều loại vaccine phòng ngừa viêm não, đặc biệt năm 2015 cũng là năm đầu tiên vaccine phòng viêm não Nhật Bản được đưa vào tiêm chủng mở rộng.
Viêm não vi rút biểu hiện dưới nhiều dạng bệnh
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, viêm não vi rút biểu hiện dưới nhiều dạng bệnh khác nhau và có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh viêm não vi rút. Vì thế chúng ta phải dựa vào các nguyên nhân để phòng chống một cách thích hợp.
Đối với các vi rút arbo, bệnh lây qua côn trùng tiết túc như muỗi, ve… đốt, việc quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muỗi đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời, đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân như mặc áo dài tay, mang tất cùng với việc sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ. Để hạn chế sự phát triển của muỗi gây bệnh, chúng ta cần phải thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, làm thông thoáng cống rãnh, đậy kỹ các vật dụng chứa nước…
Đối với các chủng vi rút như herpes, sởi, quai bị… bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, chúng ta cần phải cách ly người bệnh cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Trong số các chủng vi rút này, một số chủng vi rút gây bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, quai bị, chúng ta cần phải chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh và những biến chứng viêm não của các bệnh này.
Đối với các vi rút đường ruột, bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, việc vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu do hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, trong đó việc rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh ăn chín, uống chín là những biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả.
Đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.
Nhiều trường hợp bị viêm não được phát hiện muộn
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, tuy chỉ mới bắt đầu vào mùa hè nhưng đã có rất nhiều bệnh nhi đến viện trong tình trạng viêm não nặng.
Theo BS Khanh có rất nhiều trường hợp trẻ bị viêm não đến trẻ bệnh viện muộn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do nhiều bậc cha mẹ nhầm tưởng bệnh viêm não với các bệnh thông thường khác. Do viêm não và viêm màng não có biểu hiện ban đầu khá dễ nhầm với các bệnh như cảm, sốt virus, chỉ đến khi trẻ bị kéo dài, dùng thuốc không đỡ người nhà mới cho đi viện thì bệnh đã nặng, trẻ đã bị rối loạn tri giác.
Viên não và viêm màng não là bệnh nguy hiểm, để lại nhiều di chứng nghiêm trọng về thần kinh, có thể khiến trẻ bị lác mắt, mù mắt, điếc, câm, liệt các chi hoặc nửa người, tổn thương dây thần kinh sọ não, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh... Bệnh gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời.
Để phòng tránh viêm não virus, ngoài việc cho trẻ tiêm phòng đầy đủ thì các bậc cha mẹ khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, chảy nước mũi, ho, nôn, quấy khóc, nằm li bì - nhất là vào thời điểm mùa hè - thì cần nghĩ ngay tới bệnh viêm não và đưa ngay trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.