Trên cơ sở bài thuốc Lục vị thường dùng để chữa trị chứng tiêu khát (uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, người gầy, da khô…), GS. Hiếu đã điều chỉnh thành bài “Bát vị tri bá gia giảm” rồi đưa vào điều trị thực nghiệm trên nhiều bệnh nhân. Kết quả, hơn 60% bệnh nhân dùng thuốc đã có chuyển biến tốt.
Cải biến dựa trên bài thuốc cổ phương
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Duẩn (TP. Hà Nội), phòng khám Đông Phương Y Quán của GS Dương Trọng Hiếu lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Tại đây, bệnh nhân được GS Hiếu trực tiếp thăm khám và điều trị. Trong quá trình chữa trị, ông vẫn thường kết hợp với các kết quả xét nghiệm của Tây y để chẩn đoán bệnh một cách chính xác và có phương pháp điều trị thích hợp. Theo ông, việc kết hợp giữa Đông y và Tây y hợp lí sẽ giúp nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân. Cẩn thận hơn, mỗi bệnh nhân khi đến bốc thuốc đều được GS Hiếu cấp cho một tờ hướng dẫn về cách sử dụng thuốc trong thời gian điều trị.
Hơn 40 năm trong nghề, GS Hiếu đã có nhiều công trình nghiên cứu về Y học cổ truyền. Trong số đó, nhiều đề tài đã được Bộ khoa học và Công nghệ tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Một số đề tài của ông sau khi được giới chuyên môn công nhận về tính hiệu quả, đã được áp dụng vào thực tế chữa trị các loại bệnh như xương khớp, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu và đặc biệt là bệnh tiểu đường với bài thuốc “Bát vị tri bá gia giảm”.
Nói về nguồn gốc của bài thuốc này, GS Hiếu cho biết: “Phương thuốc này dựa trên cơ sở bài thuốc Lục vị dùng để điều trị chứng tiêu khát mà cha ông ta đã để lại, bao gồm: thục địa, đan bì, sơn thù, hoài sơn, phục linh, trạch tả. Tuy nhiên, để áp dụng cho việc điều trị tiểu đường, tôi đã thay thục địa bằng sinh địa và thêm chi mẫu, hoàng bá thành. Trong đó, sinh địa có tác dụng hạ đường huyết. Do đó, bài thuốc có tên là “bát vị tri bá gia giảm”.
Theo GS Hiếu, bệnh tiểu đường còn gọi là chứng âm hư sinh ngọc nhiệt (nóng trong người) hay tiêu khát. Bài Lục vị có tác dụng bổ âm, chống nhiệt giúp cân bằng âm dương. Bệnh nhân tiểu đường thường có cảm giác khô miệng, ăn nhiều nhưng nhanh đói, người gầy, da dẻ xanh xao, thường xuyên mệt mỏi nên thuộc chứng tiêu khát. Khi sử dụng bài thuốc này, người ta thấy các triệu chứng vừa nêu nhanh chóng thuyên giảm. Điều này cũng giải thích tại sao, nó được áp dụng rộng rãi trong điều trị tiểu đường bằng Đông y những năm gần đây.
“Tiêu khát tức là khi xét nghiệm nước tiểu thấy có đường và hàm lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường (lượng đường trung bình trong máu thường từ 0,8 -1,2 g/l hoặc 4,6 -6,5 mmol/ml). Tây y cũng phân bệnh này thành hai dạng chủ yếu là tiểu đường và tiểu nhạt. Người bị tiểu nhạt cũng có biểu hiện khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều nhưng khi xét nghiệm, lượng đường trong máu không cao như người bị tiểu đường. Xét về mức độ của bệnh, tiểu đường (đái tháo đường) được chia thành hai thể. Thể phụ thuộc vào một chất nội tiết của tuyến tuỵ để tiêu đường là Inzulin gọi là tuýp 1. Còn loại tiểu đường không phụ thuộc vào Insulin gọi là tuýp 2. Người bệnh thể tuýp 1 khó chữa nhưng nay chỉ chiếm dưới 10%. Người thể tuýp 2 vẫn duy trì được tuổi thọ nếu điều trị đúng và có chế độ sinh hoạt hợp lý”, GS Hiếu giải thích.
Trên 60% bệnh nhân chuyển biến tốt
Nhớ lại những ngày đầu đưa bài thuốc “Bát vị tri bá gia giảm” vào thử nghiệm, GS Hiếu cho hay: “Ban đầu bài thuốc chỉ được thử nghiệm độc tính trên chuột bạch và thỏ. Kết quả cho thấy, thuốc không có phản ứng phụ, không xảy ra tai biến trong suốt thời gian thử nghiệm nên mới được đưa vào thử nghiệm ở người. Năm 2002, bài thuốc trên đã được áp dụng cho các bệnh nhân tại Viện Y học Cổ truyền Việt Nam. Chúng tôi đã thử nghiệm trên 90 bệnh nhân và kết quả thu được là trên 60% bệnh nhân chuyển biến tốt, đường huyết ổn định”.
Tiếp đó, GS Hiếu đã cho phép và hướng dẫn cho bác sĩ Vũ Thị Kê áp dụng công thức của bài thuốc “Bát vị tri bá gia giảm” vào việc điều trị bệnh tiểu đường tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương (BV YHCTHD). Năm 2003, bác sĩ Kê thử nghiệm điều trị cho 71 bệnh nhân thuộc tiểu đường tuýp 2 với thời gian điều trị trung bình 46 ngày/bệnh nhân. Bệnh nhân cao tuổi nhất là 71 và ít tuổi nhất là 38. Trong số 71 người thử nghiệm thuốc đợt đầu tiên, người có chỉ số đường huyết cao nhất là 15, thấp nhất là 8. Sau 90 ngày điều trị, kết quả có 36 bệnh nhân (chiếm 50,7%) ổn định đường huyết, 35 bệnh nhân (chiếm 49,3%) đường huyết giảm. Trong quá trình điều trị bệnh nhân được kết hợp chế độ ăn kiêng và không dùng các loại thuốc khác. Sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm, BV YHCTHD tiếp tục điều trị được trên 70 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở tỉnh Hải Dương và thu được kết quả khả quan.
Theo GS, vì bệnh tiểu đường rất dễ mắc phải, nhất là với người cao tuổi nên việc phòng tránh và kiêng khem khi mắc bệnh là rất quan trọng. “Để phòng chứng bệnh tiêu khát, mọi người nên chú ý đến chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ, cân bằng các chất dinh dưỡng, không để cơ thể quá thừa hay quá thiếu một chất nào đó. Lao động đúng mức, phù hợp với tình trạng sức khỏe. Việc điều chỉnh trạng thái tình cảm trước các tác động của xã hội, gia đình cũng rất quan trọng. Sách y học xưa có ghi: “Mừng quá hại tâm, lo nghĩ quá hại tỳ, tức giận quá hại can, kinh sợ quá hại thận, buồn quá hại phế, tỳ, phế thận yếu dễ sinh tiêu khát”.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh tác động xấu của khí hậu. Ẩm thấp quá hại tỳ, nóng lạnh bất ngờ quá hại phế, đều có thể sinh tiêu khát. Về chế độ dinh dưỡng, người bị tiêu khát nên thường xuyên sử dụng một số loại thức ăn như: Các loại đậu (đậu tương, đậu đen, đỏ, xanh), các loại dưa (dưa chuột, dưa hấu, dưa bở), mướp, bầu, bí… Nên thường xuyên ăn các loại trái cây như: nho, bưởi, chanh, thanh long… Đặc biệt, người cao tuổi nên hạn chế bánh sữa ngọt, quả ngọt, mỡ động vật. Người đã bị tiểu đường tuyệt đối không ăn đường và quả ngọt.
Ngoài ra cũng có những bài bài tập cho người tiêu khát như tập một số động tác của yoga, thái cực quyền hay dịch kinh cân hoặc các bài tập thể dục phổ biến”, GS cho biết. Ông cũng lưu ý thêm, có rất nhiều bài thuốc dùng để điều trị, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Mỗi một thể, một giai đoạn của bệnh tiểu đường sẽ có bài thuốc khác nhau, kể cả bài “bát vị tri bá gia giảm”. Vì vậy, đối với người bệnh, thầy thuốc phải xem xét kỹ bệnh thuộc thể nào để có phương pháp chữa trị thích hợp. Người bệnh nên kết hợp với tân dược để hạ lượng đường xuống mức bình thường.
Người bệnh không được tự ý bốc thuốc
Đánh giá về bài thuốc trị bệnh tiểu đường “Bát vị tri bá gia giảm”, PGS.TS Tạ Văn Bình (Viện trưởng Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa về bệnh đái tháo đường và cách phòng tránh) cho hay: “Trong y học cổ truyền có nhiều bài thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường như bài thuốc “Bát vị tri bá gia giảm”. Bài thuốc này phát huy tác dụng hỗ trợ tốt nhất cho người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, tức là ở giai đoạn nhẹ, được phát hiện sớm và chưa có biến chứng. Còn đối với những thể đái tháo đường đã ở giai đoạn biến chứng cấp tính thì tuyệt đối không được sử dụng thuốc Đông y mà cần đến ngay các trung tâm y tế để điều trị”. Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y cũng nhấn mạnh: “Trước hết, tôi xin lưu ý kể cả Tây y và Đông y đều chưa có thuốc đặc trị tiểu đường. Các bài thuốc trong Đông y chủ yếu là dùng để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và bài “Bát vị tri bá gia giảm” cũng vậy. Tuy bài thuốc này được nghiên cứu và công bố rộng rãi nhưng người bệnh cũng không được tự ý bốc thuốc về uống mà phải được thầy thuốc chỉ định và thay đổi thêm bớt tùy vào thể trạng và triệu chứng của từng người”.