Có những thực phẩm bị gán là "không tốt cho sức khỏe", vậy là nó bị rất nhiều người tẩy chay. Nhưng thực tế, những thực phẩm bị coi là "không tốt" đó cũng có rất nhiều tác dụng với sức khỏe mà có thể bạn chưa biết.
Tuy nhiên, bất cứ thực phẩm nào cũng không nên ăn nhiều vì có thể gây ra những tác dụng phụ cho sức khỏe. Vì vậy, bạn nên tạo cho mình thói quen ăn uống điều độ, vừa phải đối với tất cả các loại thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của mình. Ngoài ra, hiểu về các loại thực phẩm bạn ăn cũng là điều hết sức cần thiết.
Dưới đây là một vài thực phẩm bị gán mác "không tốt cho sức khỏe" nhưng không phải như vậy. Bạn hãy tham khảo để biết hơn về chúng nhé.
1. Trứng
Hiểu lầm: Trứng sẽ làm tăng cholesterol và khiến bạn có nguy cơ phát triển bệnh tim.
Thực tế: Trứng chứa nhiều chất chống oxy hóa, protein và các chất dinh dưỡng quan trọng khác đối với sức khỏe. Một nghiên cứu của Đại học Yale năm 2011 cho thấy tiêu thụ trứng thường xuyên giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch và ung thư do có hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Nghiên cứu còn thấy rằng trứng có thể giúp giảm huyết áp, không có tác động tiêu cực đến cholesterol, trọng lượng hoặc chức năng nội mô. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe cũng khuyên bạn không nên ăn quá nhiều trứng nhất là với lòng đỏ trứng gà, chỉ nên ăn trong chừng mực.
Ảnh minh họa
2. Các loại hạt
Hiểu lầm: Các loại hạt chứa quá nhiều chất béo.
Thực tế: Bất kỳ thực phẩm nào nếu tiêu thụ với số lượng quá nhiều thì đều có thể gây tăng cân, kể các loại hạt. Nhưng nếu tiêu thụ với một lượng vừa phải thì loại thực phẩm này lại rất tốt cho sức khỏe. Các loại hạt chứa nhiều protein và chất béo lành mạnh nên có thể giúp bạn no lâu, hạn chế ăn liên tục, nhờ đó bạn dễ dàng kiểm soát trọng lượng của mình hơn.
Ngoài ra, một số loại hạt như hạt hạnh nhân, óc chó... có chứa chất béo omega-3 nên có lợi cho sức khỏe của tim.
Ảnh minh họa
3. Sôcôla
Hiểu lầm: Sôcôla có vị ngọt nên không tốt cho sức khỏe.
Thực tế: Quan điểm trước đây có thể đúng với loại sôcôla có nhiều đường chứ không đúng với sôcôla đen. Sôcôla đen có hàm lượng ca cao (chiếm ít nhất 70%) nên nó chứa các flavonoid - một chất chống oxy hóa giống như trong rượu vang đỏ và trà. Vậy nên, ăn sôcôla đen có tác dụng giảm rủi ro mắc bệnh tim và giúp giảm bớt căng thẳng.
Ảnh minh họa
4. Đậu nành
Hiểu lầm: Ăn đậu nành làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh
Thực tế: Một cuộc khảo sát của các nhà khoa học thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) cho thấy bổ sung đậu nành ở mức độ vừa phải giúp giảm nguy cơ bị ung thư vú. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, dùng 3 khẩu phần đậu nành mỗi ngày đem lại nhiều ích lợi cho phụ nữ có nguy cơ hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú.
Ngoài ra, đậu nành chứa nhiều isoflavone và protein trong đậu nành có thể giúp giảm hàm lượng cholesterol xấu LDL trong cơ thể. “Dùng đậu nành là một phần của chế độ dinh dưỡng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim”, Wahida Karmally – Giám đốc dinh dưỡng tại Viện Nghiên cứu Irving – nói. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ăn quá nhiều loại thực phẩm này vì chúng có thể gây ra những tác dụng phụ như khó tiêu, giảm chức năng thận, suy giáp...