Cây khế có tên khác là ngũ liễm tử, ngũ lăng tử. Là cây gỗ thường xanh cao tới 10-12m. Lá kép lông chim, mỏng hình trái xoan nhọn. Cụm hoa ngắn, thành chùm xim, ở nách các lá, màu hồng hay tím. Quả to, tiết diệt hình ngôi sao 5 múi. Mùa hoa tháng 4 - 8, quả tháng 10 - 12. Trong múi khế chua, hàm lượng acid oxalic là 1%. Ngoài ra có những yếu tố vi lượng như Ca, Fe, Na và nhất là có nhiều vitamin K. Có các vitamin A,C, B1, B2 và P...
 
Trong y học cổ truyền thường sử dụng khế chua để chữa bệnh. Quả khế vị chua và ngọt, tính bình; có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm long đờm và tiết nước bọt. Rễ khế vị chua, tính bình; có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau. Thân và lá vị chua và se, tính bình; có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu. Hoa vị ngọt, tính bình.
 
Một số bài thuốc thường dùng
 
- Chữa cảm sốt, nhức đầu, đi tiểu ít: Lá khế tươi 100g sao thơm, nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Hoặc dùng lá khế tươi 100g, lá chanh tươi 20 - 40g, hai thứ rửa thật sạch, giã nát,  vắt lấy nước chia 2 lần uống trước bữa ăn.
 

- Chữa lở sơn, mày đay: Lá khế khoảng 20g rửa sạch cho vào nồi nấu nước uống. Lấy 1 nắm lá khế, rửa sạch giã lấy nước cốt đặp lên vùng da bị tổn thương.

- Chữa cảm cúm: Đau người, hắt hơi sổ mũi, ho. Dùng 3 quả khế nướng vắt nước cốt hòa 50ml rượu để uống. Uống sau bữa ăn 30 phút.

- Chữa đái dắt, đái buốt: Dùng lá khế 100g, rễ cỏ tranh 40g. Cho 500ml nước đun nhỏ lửa còn 150ml nước, ngày một thang, chia 2 lần. Dùng liền 3 thang, sau đó tái khám. Mỗi liền trình có thể dùng 10 - 15 thang.  Hoặc khế chua 7 quả, mỗi quả chỉ lấy 1/3 phía gần cuống. Nấu với 600ml nước, sắc còn 300ml, uống lúc còn ấm nóng.

- Chữa viêm họng: Lá khế 40g rửa sạch, thêm vài hạt muối giã nhỏ vắt nước cốt ngậm, ngày nhiều lần.

- Chữa ho do lạnh có đờm: Hoa khế 20g sao qua, sau đó tẩm nước gừng đem sao tiếp.  Sắc lấy nước uống. Có thể thêm cam thảo nam 12g, tía tô 8 - 10g, kinh giới 8 - 10g. Cho 750ml nước, đun còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 6 ngày.