Không chỉ bị bệnh, ông Huỳnh Xuân Tùng (61 tuổi, trú thôn Hội Yên, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đã tử vong trên đường đi cấp cứu vì uống rượu ngâm ba kích. Ngoài ra, cùng uống với ông còn có 20 khác cũng bị ngộ độc.
BS.TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, ba kích không dùng để bổ dương, mà là một vị cố tinh, làm xuất tinh chậm. Mặc dù nó giữ được khả năng cương cứng lâu nhưng không phải bổ dương. Vì Ba kích có tính hàn nên phải sao với rượu để giảm bớt tính hàn, vào khí và huyết cho nhanh.
Do là cố tinh nên nếu người nào bị khó xuất tinh, uống ba kích vào lại càng khó thêm. Đặc biệt, lõi rễ cây ba kích có chất độc, khi chế biến không bỏ lõi sẽ gây hại tim. Hơn nữa, ba kích có tính hàn nên nếu uống nhiều, đàn ông dễ bị "Tào tháo đuổi". Rượu ba kích chỉ có tác dụng với từng người và bắt buộc phải được phối hợp với các vị thuốc khác như thục địa, bạch linh, hoài sơn, trạch tả, đan bì, sơn thù, nhục quế, hắc phụ tử, đỗ trọng...
Theo GS Đoàn Thị Nhu, nguyên Viện trưởng Viện Dược liệu, trong nhân dân, ba kích được dùng phổ biến làm thuốc tăng lực. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm lâm sàng đối với nam giới cho thấy: Nam giới có hoạt động sinh dục yếu thì ba kích có tác dụng làm tăng khả năng giao hợp. Tuy không làm tăng sự đòi hỏi tình dục, nhưng ba kích giúp tăng cường sự dẻo dai, không có tác dụng điều trị vô sinh cho nam giới.