Loại thứ nhất: chế phẩm chứa enzym 

Các enzym (còn gọi diếu tố) giúp tiêu hoá thức ăn. Ta nên biết, từ miệng có dịch tiêu hoá là nước bọt chứa amylase (tiêu hoá tinh bột); còn ở dạ dày tiết ra dịch vị chứa acid hydrocloric và pepsin (tiêu hoá chất đạm); trong đường ruột có dịch tuỵ, dịch mật, gọi chung là dịch ruột chứa nhiều enzym như amylase, lipase (tiêu hoá chất béo), trypsin (tiêu hoá chất đạm)... 

Một số thức ăn hàng ngày có thể hỗ trợ tiêu hoá nhờ kích thích tiết các men tiêu hoá như gia vị (gừng, hành tỏi, tiêu, ớt...), số khác cung cấp chính enzym tiêu hoá thức ăn (đu đủ, khóm, sản phẩm lên men...). 

Men vi sinh có lợi nằm sẵn trong sữa chua. Ảnh: TL

Để bổ sung men tiêu hoá với thành phần là các enzym, người ta làm ra các chế phẩm là thuốc. Thí dụ Neopeptine là thuốc chứa các loại men tiêu hoá như amylase, papaine (enzym có trong đu đủ xanh) và chất chống đầy hơi là simethicone, có tác dụng trị chứng ăn khó tiêu, đầy bụng, đặc biệt có dạng thuốc uống nhỏ giọt thích hợp cho trẻ con. Nên lưu ý, khi bổ sung men tiêu hoá dưới dạng thuốc xem như chúng ta đã bổ sung từ ngoài vào, vì thế chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Không nên lạm dụng vì dùng dài ngày sẽ gây tác hại ngược do lượng men tiêu hoá được cung cấp nhiều từ bên ngoài trong thời gian dài sẽ ức chế các tuyến tiết ra men tiêu hoá nội sinh (có trong cơ thể). 

Hiện nay có một số phụ huynh cho trẻ dùng quá đà thuốc Neopeptine vì lầm tưởng thuốc làm tăng cân. Như đã nói, thuốc chỉ giúp trẻ thiếu men tiêu hoá ăn uống tốt hơn, vẫn phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng mới mong tăng cân. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết để tránh lệ thuộc vào thuốc, thông thường chỉ dùng không quá 7 - 10 ngày, ngưng dùng thuốc 7 - 10 ngày nếu muốn tiếp tục dùng lại. Các phụ huynh có thể cho trẻ dùng thuốc thử trong một thời gian, nếu thấy trẻ ăn uống tốt mới tiếp tục dùng. 

Loại thứ hai: men vi sinh
 
“Men tiêu hoá” còn được dùng để chỉ chế phẩm chứa vi sinh vật có ích khi uống vào nhằm cải thiện sự cân bằng của hệ tạp khuẩn ruột và có lợi cho sức khoẻ người dùng. Trong trường hợp này không nên gọi là “men tiêu hoá” mà nên gọi là “men vi sinh”, hay gọi theo tiếng nước ngoài đã thông dụng là “probiotic” có nghĩa “trợ sinh”. Ta nên biết trong ruột con người hiện diện rất nhiều loại vi khuẩn tạo thành quần thể tạp khuẩn ruột. Trong tạp khuẩn ruột, ngoài vi khuẩn gây bệnh còn có vi khuẩn có ích giúp tiêu hoá tốt thức ăn, tiêu sạch và tái hấp thu phần thức ăn sót lại ở ruột già, giúp tổng hợp một số vitamin nhóm B, vitamin K… đặc biệt giúp cân bằng với vi khuẩn có hại, làm cho vi khuẩn có hại không tăng sinh quá đáng gây bệnh. Nếu vì lý do nào đó (như vệ sinh an toàn thực phẩm quá kém, uống nhiều bia rượu, dùng thuốc đặc biệt là kháng sinh, do stress...), sự cân bằng trong hệ tạp khuẩn ruột bị đảo lộn, sẽ đưa đến rối loạn đường ruột, thể hiện: tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, giảm hấp thu dinh dưỡng…

Thực phẩm chức năng không được xem là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc. Cần lưu ý một vài trường hợp men vi sinh sử dụng chủng vi sinh vật không thường trú trong ruột như dạng bào tử và nấm men thì không nên dùng lâu dài.
 
Men vi sinh đã có sẵn trong một số thực phẩm, nên chỉ khi không đủ lượng do mất cân bằng quá đáng tạp khuẩn ruột, mới cần dùng chế phẩm. Các chủng vi sinh vật được dùng bào chế men vi sinh phải an toàn và được công nhận có tác dụng chữa trị hiệu quả như Lactobacillus acidophilus, L. casei, L. ramonosus, Bacillus longum, B. breve, B. lactis... 

Hiện nay, phần lớn men vi sinh lưu hành trên thị trường thuộc loại thực phẩm chức năng. Nếu được chọn chủng tốt (theo công nhận WHO/FAO), nhất là các chủng có nguồn gốc từ người (phân lập từ ruột) thì cũng an toàn như thực phẩm. Tuy nhiên vì lượng vi khuẩn đưa vào sản phẩm cao (hàng trăm triệu đến hàng tỉ), cho nên để an toàn phải sử dụng đúng liều lượng chỉ dẫn của nhà sản xuất và nên nhớ: thực phẩm chức năng không được xem là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc. Cần lưu ý một vài trường hợp men vi sinh sử dụng chủng vi sinh vật không thường trú trong ruột như dạng bào tử và nấm men thì không nên dùng lâu dài. Một lưu ý khác: không dùng men vi sinh khi bị viêm tuỵ cấp, phẫu thuật ruột... 

Một thực phẩm có tác dụng tương tự men vi sinh, chính là sữa chua (yaourt). Thời người viết là sinh viên dược khoa, có lần đi thi được một giáo sư hỏi: “Có cách gì giúp hạn chế rối loạn tiêu hoá sau khi dùng kháng sinh?”, nhờ trả lời: “Nên ăn sữa chua” mà được thầy khen!