Cảnh giác khi trẻ bị đau đầu, sốt
 
Từ những ngày đầu hè, các bệnh viện ở Hà Nội đã tiếp nhận những ca bệnh viêm màng não chủ yếu là các bệnh nhi với triệu chứng ban đầu là sốt, đau đầu. Không ít bệnh nhi khi vào viện đã hôn mê sâu, co giật, thậm chí nhiều trẻ bị bị biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.
 

Nhiều phụ huynh đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
 
Chị Phan Thị Lĩnh ở Ứng Hòa, thấy con trai 15 tháng bỏ bú, sốt li bì thì nghĩ nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng. Cho con uống thuốc hạ sốt 3 ngày vẫn không thấy đỡ, chị đưa con đến bệnh viện huyện khám. Bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị nhiễm một loại virus gây viêm màng não và yêu cầu chị chuyển tuyến Trung ương để kịp thời chữa trị. Sau khi chuyển viện, cháu bé có triệu chứng co giật, hôn mê phải điều trị tích cực. Theo bác sĩ điều trị, não của cháu bé bị tổn thương nặng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ bình thường sau này.
 
Một trường hợp tương tự, cháu Hồng Ngân 5 tuổi ở Khoái Châu, Hưng Yên cũng đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Mẹ cháu bé cho biết, thấy cháu kêu đau đầu, sốt cứ tưởng cảm cúm thông thường nên đi mua thuốc về cho con uống. Tự điều trị 2 ngày không thấy bệnh thuyên giảm, thậm chí còn có dấu hiệu nặng hơn, người nhà vội đưa bé đi viện khám. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm màng não, phải nằm viện để điều trị và theo dõi.
 
Viêm màng não không phải là bệnh mới nhưng triệu chứng của bệnh không rõ rệt nên rất dễ nhầm với các bệnh khác. Nhất là vào thời điểm mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, trẻ hay mắc các chứng bệnh cảm sốt nên phụ huynh càng dễ nhầm lẫn.
 
Cận thận với vết côn trùng đốt
 
Mầm bệnh viêm màng não có thể do côn trùng đốt động vật, rồi sau đó đốt người làm lây bệnh. Mùa hè nóng bức, nhiều người ngại mắc màn khi ngủ, trẻ em hay mặc quần đùi, áo cộc tay hoặc cởi trần nên dễ tạo điều kiện cho muỗi và côn trùng đốt, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
 
Chị Nguyễn Thị Huyền ở Đan Phượng thấy cô con gái 4 tuổi sổ mũi, hắt hơi, ho và tay chân xuất hiện một số vết côn trùng đốt sưng tấy liền đi mua thuốc về tự điều trị. Cho con uống, bôi 3 ngày liên tục, bệnh không những không giảm mà còn có biểu hiện nặng hơn. Cháu bé hay buồn nôn, ngủ lịm và có dấu hiệu hôn mê. Vợ chồng chị đưa cháu đến Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai khám, bác sĩ cho biết cháu bị nhiễm virus viêm màng não và làm thủ tục chuyển sang Khoa truyền nhiễm điều trị.
 
Thấy dấu hiệu bỏ ăn, bỏ chơi, sổ mũi, ho, lờ đờ... nên đưa trẻ đến viện khám ngay. (Ảnh SGGP)
 
Chị Thương ở Sóc Sơn đang chăm con trai 4 tháng tuổi tại Bệnh viện Nhi Trương ương cho biết, mấy hôm trời nắng, ngại buông màn nên để cháu mặc áo cộc, quần đùi ngủ. Vài hôm sau, bỗng dưng thấy cháu bỏ bú, thóp phồng, co giật, gia đình đưa cháu đi bệnh viện huyện cấp cứu và được kết luận cháu bị viêm màng não. Chuyển tuyến lên Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ cho biết cháu bé bị tổn thương não khá nặng kèm theo viêm phế quản phổi, bí tiểu và nhiễm khuẩn đường tiết niệu, rất khó điều trị.
 
Ngoài ra, viêm màng não có thể xảy ra do biến chứng từ một bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng máu, viêm tai giữa, viêm mũi, viêm xoang...
 
Theo nhận định của các bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm, Viện Nhi trung ương thì bệnh viêm màng não thường xuất hiện vào đầu tháng 5 và bùng phát từ tháng 6 đến hết tháng 8. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng sốt cao giống sốt do virus thông thường nên nhiều bậc phụ huynh không phát hiện được bệnh, thường chủ quan điều trị tại nhà đến khi bệnh quá nặng mới đưa con đi khám.
 
Các bác sĩ chuyên khoa đã có khuyến cáo, viêm màng não không có triệu chứng điển hình vì ở độ tuổi khác nhau bệnh có biểu hiện khác nhau. Những trường hợp trẻ bị sốt, choáng váng, đau họng, đau bụng, sổ mũi, hắt hơi, ho, đau đầu, co giật, bỏ bú, bỏ ăn, bở chơi, người chậm chạp, thóp phồng, vật vã, ngủ gà, sợ ánh sáng… và nhất là khi trẻ kêu đau đầu nhiều, cần nghĩ ngay đến bệnh viêm màng não và đưa đi khám để điều trị kịp thời. Đặc biệt, viêm màng não tiến triển rất nhanh, nếu điều trị không kịp thời thì bệnh nhân sẽ hôn mê sâu dẫn đến tử vong.
 
"Để phòng ngừa viêm màng não ở trẻ, phụ huynh cần chú ý cho trẻ tiêm phòng viêm màng não Nhật Bản khi tròn 12 tháng tuổi"- bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhắc nhở.