Muỗi Aedes aegypti - tác nhân lan truyền virus Zika thực tế chính là loại muỗi vằn gây các bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da.
Không dễ để phân biệt muỗi Aedes aegypti với các loại muỗi khác nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, nhưng theo kinh nghiệm dân gian, nếu muỗi trong nhà và đốt bạn vào ban ngày, rất có thể đó chính là Aedes aegypti (dân gian còn gọi là muỗi ngày). Các chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xác nhận loại muỗi này hút máu vào ban ngày, thời kỳ cao điểm đốt người của nó là vào buổi sáng sớm và buổi trước hoàng hôn.
Muỗi Aedes còn nguy hiểm hơn ở chỗ sau quá trình phát triển, chúng đặc biệt chỉ hút máu người và có khả năng hút máu ngắt quãng, hút máu nhiều người nên khả năng gây dịch cao.
Cũng theo WHO, từng loại muỗi có khả năng bay xa khác nhau, riêng muỗi Aedes cái có thể bay xa đến 400m, đẻ trứng và đốt người đã nhiễm bệnh, sau đó đốt sang người lành, và chu trình này cứ tiếp tục như thế với hàng ngàn con muỗi khác khiến bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác.
Có một số người hút muỗi nhiều hơn những người khác, vì nhiều lý do, chẳng hạn:
- Những người to cao, thở ra nhiều khí carbonic hơn;
- Phụ nữ mang thai, lý do cũng vì họ hít thở nhiều hơn, dẫn đến lượng CO2 và hơi ẩm thở ra cũng nhiều hơn;
- Người nhóm máu O;
- Người hay uống bia rượu;
- Người có mùi cơ thể đặc biệt (bao gồm cả mùi hôi do… bẩn, lẫn mùi thơm do mỹ phẩm, kem dưỡng da)
- Người mặc quần áo màu sậm;
- Người sống trong môi trường ẩm thấp, quá nhiều đồ đạc, nhiều dụng cụ chứa nước, đọng nước mà muỗi có thể đẻ trứng và sinh sôi...
Tất nhiên có những yếu tố nguyên nhân bạn không thể thay đổi được, chẳng hạn như về vóc dáng, nhóm máu, có mang thai hay không, nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều điều khác bạn có thể thay đổi để hạn chế muỗi tấn công mình. Đừng để bản thân trở thành nạn nhân của muỗi đang gieo rắc virus Zika này nhé!
Tổng hợp