Ăn thứ gì nôn hết thứ ấy
Vừa kết hôn chị Thu Minh ở Hà Đông, Hà Nội bàn với chồng chuyện kế hoạch vài năm lo sự nghiệp, kinh tế rồi mới sinh em bé. Chồng chị không muốn vậy nhưng chiều vợ cũng ậm ừ cho qua. "Đầu tắt mặt tối" lao đầu vào công việc, chị còn tính học Thạc sĩ để thăng tiến sau này.
Làm việc đến quên cả ngày tháng, trễ chu kỳ kinh cả tuần rồi chị cũng không để ý hay nghi ngờ gì. Chỉ đến khi thấy bỗng nhiên người mỏi mệt, không muốn ăn uống, buồn nôn, nôn mửa liên tục chị mới xem lại lịch, thử que thấy lên hai vạch đỏ chót chị mới biết mình đã mang thai.
Những ngày sau đó chị vẫn tiếp tục nghén, ăn cháo trắng nôn, uống nước cũng nôn, chỉ cần ngửi thấy mùi thức ăn hay mùi gì lạ là chị lại chạy đi nôn. Suốt ngày nằm trong phòng không dám bước chân ra ngoài, người chị không còn chút sức lực nào. Cho rằng ai mang thai cũng nghén, chỉ cần qua thời kỳ thai nghén là khỏi nên chị cũng không đi khám, chỉ ở nhà nghỉ ngơi.
Do nhiều ngày không ăn uống được, chị không đủ sức đi lại rồi ngất xỉu, người nhà phải đưa chị đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết, chị bị nhiễm độc thai nghén nặng cần theo dõi điều trị, đề phòng biến chứng xấu có thể xảy ra.
Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động Thái Hà cho biết, sau khi có thai, nhiều chị em thấy xuất hiện các triệu chứng mà dân gian thường gọi là "ốm nghén". Ốm nghén thường biểu hiện bằng tình trạng mệt mỏi, gầy, xanh, lợm giọng, buồn nôn, ứa ra nước dãi hoặc nôn ọe thực sự.
Tình trạng thai nghén giai đoạn này có khả năng làm cho người phụ nữ hơi gầy sút đi nhưng không bị gầy yếu nặng. Thai phụ chỉ cần nghỉ ngơi, thay đổi chế độ ăn, nên ăn nhẹ và chia thành nhiều bữa trong ngày, tâm lý ổn định. Sau đó các triệu chứng ốm nghén giảm dần rồi mất hẳn, thai phụ trở lại tình trạng bình thường.
Tuy nhiên, khả năng nhiễm độc thai nghén cũng có thể xảy ra. Đối với trường hợp bị nhiễm độc thai nghén nặng, thai phụ nôn nhiều, ăn thứ gì vào là nôn hết ra hết, thậm chí nôn hết thức ăn rồi vẫn tiếp tục nôn ra nước dãi hoặc nôn khan. Do kéo dài tình trạng thai phụ nôn mửa, không ăn uống được dẫn đến thai phụ bị mất nước, suy kiệt sức lực, tiếp đến xuất hiện triệu chứng phù, tăng huyết áp, protein niệu...
Có những người không may mắn khi bị nhiễm độc thai nghén khi mang thai và phải nhập viện để theo dõi. Ảnh Lê Hường
Nhiễm độc thai nghén nguy hiểm cho cả mẹ và bé
Nhiễm độc thai nghén là tình trạng bệnh lý do thai kỳ gây nên và được chia làm 2 loại: Sớm và muộn.
- NĐTN sớm: Xảy ra ở giai đoạn đầu của thai kỳ, với biểu hiện chủ yếu là tình trạng nôn mửa rất nặng.
- NĐTN muộn: Xảy ra ở 3 tháng cuối với các biểu hiện như: cao huyết áp, phù nề ở chi dưới hoặc phù toàn thân, trong nước tiểu có chất protein.
Những thai phụ không may bị nhiễm độc thai cần được khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Với người mẹ, cao huyết áp có thể dẫn tới tình trạng sản giật, nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp thoát cửa tử thần vẫn vẫn có thể bị di chứng như bệnh cao huyết áp, viêm thận, mù mắt, liệt nửa người...
Nhiễm độc thai nghén gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là tiền sản giật và sản giật.
Tiền sản giật: Thai phụ thấy choáng váng, có hiện tượng mờ mắt, buồn nôn, chân phù nặng, nước tiểu ít nhưng lượng protein tăng, huyết áp tăng.
Sản giật: Thường xảy ra ở thời kỳ cuối thai nghén (tuần thứ 30 trở đi), trong khi chuyển dạ và sau đẻ. Sản phụ lên cơn giật và hôn mê có kèm theo phù, tăng huyết áp, protein niệu.
Khi bị sản giật, toàn thân co cứng, mắt đảo, đầu ưỡn ra sau, mắt đảo lên trời, ngừng thở, rồi chuyển rất nhanh sang giật run, co giật ở mặt, giật mạnh ở tay chân. Có thể cắn phải lưỡi và sùi bọt mép, mặt xanh tái rồi chuyển sang thành xám xịt, hôn mê… Hiện tượng này nếu không được xử lý thì dẫn đến suy tim, phù phổi, chảy máu não thậm chí tử vong.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ, nhiễm độc thai nghén cũng khiến thai nhi gặp nhiều nguy hiểm. Thai có thể bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, thậm chí bị chết khi còn trong tử cung.
Bác sĩ Dung cho rằng, các thai phụ nên tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám thai định kỳ để có thể phát hiệm sớm những bất thường trong quá trình mang thai.
Đồng thời thai phụ cũng cần chú ý bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên tư vấn bác sĩ về tình trạng sức khỏe cũng như chế độ ăn uống để có cách điều chỉnh hợp lý. Trong trường hợp nghén không ăn uống được, bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể bổ sung những vi chất cần thiết từ các loại thuốc bổ để cung cấp đủ dưỡng chất.
Khi phát hiện hiện tượng bất thường như phù chân cần nhanh chống đến cơ sở y tế để được làm xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra chính xác tình trạng sức khỏe có biện pháp xử lý kịp thời.
Đôi điều mẹ bầu cần biết về tiền sản giật