TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu – giám đốc trung tâm y tế dự phòng TP. HCM cảnh báo. Với khoảng 20 triệu vi khuẩn đang hiện diện trên miếng rửa chén. Cứ mỗi một centimét vuông ống thoát nước từ nhà bếp chứa tới hàng trăm ngàn các loại vi khuẩn khác nhau. Và nhiều loại thịt, cá, thực phẩm tươi sống, có chứa các loại vi khuẩn e.coli, salmoneli… nhiều nghiên cứu đã cho thấy trong mỗi gia đình, thậm chí còn nhiều hơn cả nhà vệ sinh.

Vô số vi khuẩn

TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết, nhiều người vẫn nghĩ rằng phòng tắm, nhà vệ sinh là nơi chứa nhiều vi khuẩn hơn bếp. Nhưng kết quả của nhiều nghiên cứu đã cho thấy bếp mới là mảnh đất màu mỡ để vi khuẩn sinh sống. Nhà bếp là chủ sở hữu một nửa trong số 10 khu vực chứa nhiều vi trùng nhất trong nhà. Trong đó, miếng rửa chén bát chứa nhiều vi khuẩn nhất rồi mới tới chậu rửa bát, ống thoát nước, mặt bếp, dao thớt, tay cầm tủ lạnh, khăn vải lau tay. Theo TS. Siêu, số liệu nghiên cứu cho thấy trên miếng rửa chén có thể có đến 20 triệu vi khuẩn đang hiện diện. Nguyên nhân là do môi trường ẩm ướt của miếng rửa chén bát cùng với thức ăn thừa tồn đọng vương vào đã trở thành địa điểm ẩn náu lý tưởng của vi khuẩn. Và vi khuẩn sẽ sinh sôi, nảy nở hàng triệu lần trong miếng rửa chén khi để qua đêm.

Nhà bếp cần được làm vệ sinh thường xuyên
 
TS. Trần Phủ Mạnh Siêu nhấn mạnh, sự nguy hiểm càng trở nên nghiêm trọng khi các bà nội trợ dùng miếng rửa chén để lau rửa bề mặt bếp, bồn rửa và những bề mặt khác. Bởi các loại vi khuẩn thường gây ngộ độc như E.coli, salmonella có trong miếng rửa chén sẽ có điều kiện lan rộng ra và lây nhiễm vào đồ ăn, thức uống. Khi rửa chén lần kế tiếp, vi khuẩn sẽ bám lại trên chén đĩa, và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình. Đặc biệt với trẻ nhỏ do sức đề kháng kém, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện và rất nhạy cảm nên rất dễ bị vi khuẩn tấn công gây bệnh.

Thêm vào đó, chậu rửa chén bát và trong hầu hết các ống thoát nước từ nhà bếp, cứ mỗi một centimét vuông có chứa tới hai trăm ngàn các loại vi khuẩn khác nhau cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng vi khuẩn trong bếp chiếm một nửa số vi khuẩn trong nhà. Đặc biệt, nhà bếp là nơi mầm bệnh được mang đến thông qua thức ăn mua về, nhiều loại thịt, cá và thực phẩm tươi sống, có chứa các loại vi khuẩn E.coli, salmonella cùng một số loại vi khuẩn khác là nơi phát triển mầm bệnh do thức ăn thừa gây tăng sinh vi khuẩn, do vi khuẩn có nơi phát triển lý tưởng như: thùng rác, khăn lau chén, tạp dề nấu ăn, nơi để đũa, tủ đựng thức ăn bề mặt bàn chế biến thức ăn, thớt, dao…

Không chỉ do thực phẩm tươi sống có chứa vi khuẩn gây hại hay thức ăn chế biến sẵn bị nhiễm khuẩn mà với số liệu nghiên cứu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cho thấy, trên 80% số mẫu dụng cụ bát, đũa… thường dùng không được vệ sinh đúng cách và do đó bị bẩn. Quy trình chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với trên 85% số mẫu tay người bán hàng bị nhiễm khuẩn E.Coli càng làm vi khuẩn trong bếp tăng đến mức báo động.

Mắc nhiều bệnh nguy hiểm

TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết, do nhà bếp có vô số vi khuẩn nên  hường gây nên nhiều bệnh nguy hiểm. Thịt bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn như: Samonella sp từ thịt gà, thịt vịt, thit heo, các loại hải sản, gây bệnh thương hàn. Clostridium perfrigens từ các loại thịt nấu chín sẵn nhưng không bảo quản đúng nhiệt độ: thịt hầm, thịt nướng, xúc xích. Yersinia sp có trong các loại thịt heo nấu chưa chín, rau sống, hải sản, sữa tươi, gây bệnh viêm ruột hoại tử, tỷ lệ tử vong cao. Cryptosporidium sp có trong sữa chưa tiệt trùng, thức ăn nhiễm bẩn, gây bệnh tiêu chảy nước ồ ạt.

 
Ngoài ra còn các vi khuẩn khác có trong thịt động vật như: Listeria, Staphylococcus aureus, Bacillus cereus và Escherichia coli, hầu hết các chủng vi khuẩn kể trên đều gây triệu chứng ngộ độc thức ăn từ nhẹ đến rất nặng, có thể nguy hiểm tính mạng. Các loại vi nấm có sẵn trong thức ăn (từ rau xanh bị dập, hư) hoặc trong các thùng rác, nơi chứa các thức ăn thừa đang phân hủy, phổ biến nhất là vi nấm Aspergillus sp, gây viêm phổi rất nguy hiểm. Tất cả tác nhân gây bệnh này sẽ gây nhiễm bẩn trên bề mặt bếp: nơi để thịt cá, nhiễm bẩn trên bề mặt thớt dung cắt thịt, nhiễm bẩn trên rổ rá đựng thịt, rau xanh và nhiễm qua tay người chế biến.
 
Các vật dụng trong nhà bếp là những nơi bị nhiễm bẩn vi khuẩn trực tiếp như: tay nắm cửa, tay nắm tủ lạnh, cán dao, quai ấm đun nước, bàn chế biến thức ăn. Một khi thịt cá bị nhiễm bẩn được chế biến, tất cả các bề mặt kể trên đều bị nhiễm khuẩn, từ đó nó lây trực tiếp sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp qua tay bẩn, sau đó nếu cầm thức ăn đưa vào miệng sẽ gây nhiễm khuẩn đường ruột. Hoặc các bề mặt nhiễm khuẩn sẽ lây lan vi khuẩn qua các loại thức ăn khác để cùng nơi với các loại bị nhiễm khuẩn, hoặc để cùng trong tủ lạnh. Nên biết rằng tại môi trường nhà bếp, các chủng vi khuẩn đều có thể tăng sinh ở nhiệt độ thường và gây nhiễm khuẩn ra xung quanh rất nhanh nếu người nấu ăn không có ý thức vệ sinh.

Từ bỏ thói quen xấu: giải pháp để giữ sạch nhà bếp!

Theo TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn - Bộ môn Nhi - ĐH Y Dược TP.HCM, thư ký Chi hội Tiêu hóa nhi Việt Nam, vi khuẩn trong bếp nhiều nguyên nhân phần lớn xuất phát từ những thói quen không tốt của các bà nội trợ. Đa số các bà nội trợ đều không có thói quen rửa tay trước khi chế biến món ăn. Một số nghiên cứu cho thấy chỉ có 34% người dân rửa tay trước khi làm món ăn và đa số chẳng bao giờ rửa tay với xà phòng. Rửa xong chén, bát vẫn để miếng rửa chén trong hộp đựng ẩm ướt, đầy mẫu thức ăn là thói quen xấu dẫn đến vi khuẩn sinh sôi hàng triệu lần trong miếng rửa chén khi để qua đêm. Nhiều người vẫn thường sử dụng miếng rửa chén để lau bề mặt bếp, bồn rửa và các bề mặt khác đã vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn, đặc biệt là các loại vi khuẩn thường gây ngộ độc như E.coli, salmonella lan rộng ra và bị lây nhiễm chéo vào đồ ăn, thức uống. Dùng chung một thớt để chế biến các loại thức ăn cũng là sai lầm lớn. Không làm sạch bồn rửa chén, không rửa sạch tủ lạnh thường xuyên, không làm sạch tay vặn và đầu nòi nước trước khi mở tủ… cũng là những thói quen xấu nguy hiểm của các bà nội trợ.

TS.BS.Trần Phủ Mạnh Siêu khuyến cáo, để tránh nhiễm khuẩn, nhà bếp phải bố trí ở nơi khô, thoáng, có gió ra vào dễ dàng để không bị ẩm mốc làm vi khuẩn, vi nấm dễ sinh sôi phát triển. Tất cả bề mặt của nhà bếp phải được lau rửa bằng nước có pha thuốc sát khuẩn có bán sẵn ở các siêu thị. Khi mua thức ăn tươi sống về, phải rửa sạch rồi mới chế biến, các loại thức ăn phải để vào bọc riêng biệt trước khi cho vào tủ lạnh. Bàn để chế biến thức ăn phải được vệ sinh bằng nước xà bông khử khuẩn trước và sau khi làm thức ăn. TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, để tránh nhiễm khuẩn, giải pháp tốt nhất là rửa tay với nước ấm và xà bông trước, trong và sau khi làm thịt, cá còn tươi sống. Để tránh bị lây nhiễm, bạn nên sử dụng nhiều loại thớt cho từng công việc. Phải diệt vi khuẩn trong miếng rửa chén bằng cách ngâm chúng vào trong dung dịch thuốc tẩy pha loãng (khoảng ¾ ly thuốc tẩy với 4 lít nước 3 lần mỗi tuần. Nên phơi miếng rửa chén ngoài trời cho khô trước khi dùng tiếp. Phải gạt sạch thức ăn thừa, không nên để chén đĩa còn dính đầy thức ăn thừa vào bồn rửa chén. Phải tráng rửa chén bát dưới vòi nước chảy…