Nhiều người nghĩ "nhịn" đi tiểu là chuyện bình thường, miễn là đi “giải quyết” sau đó là được. Tuy nhiên "nhịn" đi tiểu lại cực kỳ nguy hiểm, nó gây hàng loạt các bệnh về đường tiết niệu mà nhiều người không biết.

Những điều không nghĩ tới

Gần mấy tháng nay, chị Nguyễn Thanh Xuân ở Thanh Trì (Hà Nội) đi tiểu thường xuyên bị ra máu và đau nhói ở bàng quang. Bên cạnh đó, “chuyện chăn gối” của vợ chồng chị cũng ngày càng khó khăn vì mỗi lần quan hệ chị cảm thấy rất đau buốt.  Mặc dù chị có thói quen đi tiểu nhiều lần nhưng thời gian gần đây, do tính chất công việc nên chị thường cố gắng “nhịn” tiểu để tránh ảnh hưởng trong giờ làm việc. Đến khi xảy ra tình trạng đi tiểu ra máu, chị mới thấy sốt ruột nên đi khám và kể tình trạng của mình cho bác sĩ. Kết quả là chị bị viêm đường tiết niệu gây ra khó khăn trong chuyện chăn gối và qua siêu âm các bác sĩ phát hiện chị có dấu hiệu bệnh sỏi thận.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, Bệnh viên 103, cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị viêm đường tiết niệu của chị Xuân là do thói quen “nhịn” tiểu của chị. Bởi khi chúng ta có dấu hiệu buồn đi tiểu  mà cố nín không chịu đi có nghĩa nước tiểu không được giải phóng mà bị ứ đọng lại sẽ làm bàng quang căng đầy gây sức ép lên tử cung và các cơ quan sinh dục khác, gây nên cảm giác đau khi giao hợp và mất cảm hứng. Từ đó giảm dần và mất hưng phấn khi quan hệ. Kể cả với nam giới, "nhịn" tiểu cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt gây nên hiện tượng xuất tinh sớm, xuất tinh đau và làm giảm ham muốn tình dục…      

“Nhịn” tiểu lâu cũng là nguyên nhân gây nên bệnh sỏi thận vì khi ta "nhịn" tiểu do các cặn canxi không được đào thải hết ra ngoài cơ thể, lưu lại và tạo thành sỏi thận…  

Các triệu chứng tiểu nhiều lần, tiểu cấp, tiểu dắt thường xuất hiện khi bị nhiễm trùng đường tiểu, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Có thể do virut, vi khuẩn, nấm, cũng có thể là do hạch… Vì thế khi có biểu hiện của việc tiểu nhiều chúng ta cần đến bệnh viện để kiểm tra.

Còn chị Lâm Diệp Anh (Hà Nội) lại mắc phải chứng tiểu đêm. Đêm nào cũng như đêm nào chị cũng lục đục dậy đi tiểu 3-4 lần, nhiều khi làm ảnh hưởng giấc ngủ của chồng con. Nên mỗi khi buồn tiểu chị cố "nhịn" rồi ngủ quên luôn đến sáng hôm sau. Gần tháng nay chị thấy vùng kín hay bị ngứa, khí hư ra nhiều, tức ở bàng quang. Nghĩ mình bị bệnh phụ khoa, chị đi khám mới biết  bị viêm đường tiết niệu. 

Cũng theo BS Hậu rất nhiều trường hợp nữ giới dễ bị viêm đường tiết niệu như chị Anh chỉ vì thói quen "nhịn" tiểu. Bởi do niệu đạo của nữ giới tương đối ngắn nên mầm bệnh có mặt ở vùng trực tràng – hậu môn, âm hộ có thể nhanh chóng xâm nhập vào bàng quang. Việc "nhịn" tiểu thường xuyên cũng gây ức chế lên vùng xương chậu. Mà bản chất nước tiểu có chứa chất độc, nếu lưu trữ lâu trong cơ thể vi khuẩn không được bài tiết ra ngoài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể gây viêm đường tiết niệu nguy hiểm hơn sẽ gây ra nhiễm trùng tiểu. 

Nhiều người do công việc, thói quen thường hay "nhịn" tiểu, việc làm này có hại cho sức khỏe. Khi bị ứ trong bàng quang có thể dẫn đến sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang khi di chuyển gây tổn thương các bộ phận này tạo môi trường cho vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng tiểu, viêm bàng quang.

"Nhịn" tiểu: nguyên nhân dấn đến một loạt bệnh về tiết niệu 1
Nhiều người vì mải làm việc mà cố gắng "nhịn" tiểu. Ảnh minh họa

"Nhịn" tiểu gây nên nhiều bệnh

Bs Hậu chia sẻ thêm việc "nhịn" tiểu còn gây ra hàng loạt các bệnh khác mà nhiều người coi thường. Vì khi chúng ta "nhịn" tiểu khiến nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, lâu có thể gây vỡ bàng quang. Nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến viêm phúc mạc, viêm tấy vùng tiểu khung, viêm xương chậu, xơ hóa khoang sau phúc mạc, thậm chí có thể gây tử vong do sốc.

Tiến sĩ Mark Gordon, một chuyên gia tiết niệu khác tại Bệnh viện Y Suncoast bang Florida (Mỹ) nói rằng phụ nữ có xu hướng "nhịn" tiểu nhiều hơn do họ ngại vấn đề vệ sinh khi sử dung chung bồn vệ sinh nơi công cộng. Vì vậy, bệnh nhiễm trùng đường tiểu thường có nguy cơ cao hơn ở phụ nữ so với nam giới. Tiến sĩ Gordon cũng cho biết thêm, số lần đi tiểu" bình thường" nên là 8-10 lần một ngày.

Nếu chúng ta có thói quen "nhịn" tiểu lâu, sẽ làm cơ thể mất đi phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ dẫn tới tiểu són, tiểu dắt và tiểu nhiều lần. 

Đối với những người mắc bệnh mạn tính thì "nhịn" tiểu càng nguy hiểm như:  Bệnh nhân tăng huyết áp nếu "nhịn" đi tiểu sẽ khiến thần kinh hưng phấn, dẫn đến huyết áp tăng, tim đập nhanh, lượng ôxy tiêu hóa gia tăng, gây ra xuất huyết não hoặc nhồi máu cơ tim rất có thể dẫn đến dột tử . Hay người bị bệnh  tuyến tiền liệt "nhịn" tiểu lâu ngày gây viêm tuyến tiền liệt do nước tiểu thâm nhập vào các mô tuyến tiền liệt. Khi "nhin" đi tiểu gây tổn hại lâu dài cho bàng quang và làm tăng tốc độ lão hóa…

Vì thế mọi người không nên "nhịn" đi tiểu. Nếu muốn đi tiểu ít, đặc biệt vào các buổi tối thì không nên uống nước trước giờ đi ngủ và nên ăn nhạt. 

Những đồ uống có ga cũng rất dễ  kích thích bàng quang, nếu mắc chứng đi tiểu nhiều, bạn cũng cần hạn chế uống các loại nước này. 

Cần có chế độ nghỉ ngơi kết hợp dinh dưỡng hợp lý sẽ hạn chế được việc đi tiểu nhiều lần.

Khi phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đi tiểu buốt, đau tức khu vực bàng quang khi tiểu thì bạn cần đến ngay các bệnh viện để được tư vấn và kiểm tra.