Việc các triệu chứng trên có mặt ở nhiều bệnh rất dễ gây nhầm lẫn, nhất là với những gia đình có thói quen tự chữa khi bệnh chưa chuyển nặng, và việc điều trị chệch hướng dẫn đến nhiều nguy hiểm.
Các dấu hiệu phân biệt
Sốt xuất huyết: Trẻ bị sốt trong vòng 7 ngày hoặc ít hơn, nhưng không kèm theo ho, sổ mũi hay tiêu chảy. Các nốt ban (nốt xuất huyết) thường xuất hiện sau sốt 3 ngày, mọc ở cánh tay, cẳng chân, thân mình, nhỏ như vết muỗi đốt, hình tròn, không ngứa, và không hề biến mất khi căng da hay ấn tay vào da.
Ngoài ra, trẻ thường rất mệt mỏi, đau mình mẩy. Một số trẻ bị đau bụng ở vùng hạ sườn phải (do gan to), chảy máu cam hoặc đi ngoài phân đen (do chảy máu đường tiêu hóa). Những trường hợp nặng có thể bị sốc do trụy tim mạch mà biểu hiện là người lừ đừ, kiệt sức, chân tay lạnh, thường xuất hiện sau 3-5 ngày sốt.
Sởi: Trẻ sốt cao, có kèm theo ho, sổ mũi, viêm kết mạc trong vài ngày, khi chưa phát ban. Ở giai đoạn này trẻ thường khó chịu, quấy khóc. Sau đó, ban mọc lên, trẻ giảm sốt và đỡ quấy hơn. Ban thường có hình cánh hoa đào, xuất hiện trước hết ở đầu, mang tai rồi lan ra toàn thân.
Ở niêm mạch miệng có nốt Koplik: màu đỏ sáng có chấm trắng ở giữa; có dấu hiệu này thì trẻ chắc chắn đã bị sởi.
Rubella: Trẻ sốt nhẹ hoặc không sốt, thường có kèm theo tiêu chảy hoặc phân hơi lỏng, nhức đầu, sưng hạch. Ban có màu hồng mịn, mọc ở mặt đầu tiên rồi lan một cách cực kỳ nhanh chóng xuống thân mình, tay và chân. Thời gian từ khi mọc ban đến khi ban biến mất là 1 – 5 ngày, phổ biến nhất là 3 ngày.
Tay chân miệng: Trẻ sốt nhẹ, mệt mỏi và đau họng, rồi đau miệng, khóc quấy. Các nốt đỏ xuất hiện đồng loạt ở trong miệng, chân và bàn tay, sau đó biến thành mụn nước. Ban thường nhỏ như đầu tăm hay hạt đỗ, có viền đỏ xung quanh, nước trong mụn thường trong. Ban mọc trên da không gây ngứa.
Thủy đậu: Các nốt xuất hiện sau khi sốt nhẹ một vài ngày, hình thức trông giống với nốt của bệnh tay chân miệng (nốt đỏ nổi trên da, sau đó phát triển thành mụn nước có viền đỏ) nhưng khác ở vị trí mọc - chúng xuất hiện ở thân mình là chính – và mụn nước chuyển dần từ trong sang đục (làm mủ), sau vài ngày sẽ đóng vảy và bay đi.
Các đốm mụn mọc thành nhiều đợt khác nhau nên cùng lúc trên một vùng da có thể xuất hiện nhiều dạng mụn: dát đỏ, mụn nước trong, mụn mủ, mụn đóng vảy…
Bệnh lây như thế nào?
Sốt xuất huyết: Chủ yếu do virus Dengue gây ra, lây truyền do muỗi đốt. Thời gian ủ bệnh 7 – 10 ngày. Sốt suất huyết có thể gây sốc và tử vong. Hiện chưa có vaccine nên cách phòng bệnh tốt nhất là nằm màn, diệt muỗi.
Sởi: Do virus sởi gây nên, ủ bệnh trong 7 – 18 ngày, trung bình là 10 -12 ngày. Virus phát tán khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, bắt tay... Các biến chứng của bệnh là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản, khí quản và viêm não. Tiêm vaccine là cách phòng bệnh này.
Rubella: Do virus rubella gây nên, ủ bệnh trong 10 – 15 ngày. Bệnh rất dễ lây lan, chủ yếu là qua đường hô hấp, ngay từ giai đoạn ủ bệnh. Rubella lành tính nhưng nếu phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu mắc phải sẽ dễ sẩy thai hoặc sinh con dị tật.
Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh cũng là nguồn lây, virus có thể đào thải nhiều tháng sau khi sinh. Phòng bệnh bằng cách tiêm vaccine.
Tay chân miệng: Do virus đường ruột, chủ yếu là Coxsackie A và Enterovirus 71 gây ra, lây lan do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh 3 – 7 ngày. Các ca nặng có thể gây biến chứng về thần kinh, hô hấp, tim mạch và dẫn đến tử vong. Hiện chưa có vaccine nên chỉ có thể phòng bệnh bằng cách tránh tiếp xúc với bệnh nhân và vệ sinh sạch sẽ.
Thủy đậu: Virus Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu lây lan qua đường hô hấp. Người nhiễm phát tán mầm bệnh khi nói, hắt hơi, ho... Thời gian ủ bệnh khoảng 2 – 3 tuần. Bệnh có thể gây biến chứng viêm thận, viêm gan, nhiễm trùng máu, viêm não dẫn đến tử vong) đôi khi có biến chứng viêm phổi (thường rất nặng). Cách phòng thủy đậu là tiêm phòng vaccine.
Điểm mặt những cơn sốt nguy hiểm