Cơ quan chức năng đã bắt ngẫu nhiên 25 con gồm chuột cống và chuột nhắt sống tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân này. Tất cả mẫu được kiểm tra các mầm bệnh có thể gây hại cho người. Kết quả là 3 mẫu chuột cống đã được phát hiện mang virus Hanta.
Các bác sĩ cho biết, kết quả này đúng với thực tế, bởi so với chuột nhắt vốn sống trong nhà thì chuột cống cư ngụ dưới cống rãnh nên có nguy cơ truyền bệnh cho con người nhiều hơn.
Ngày 17/10, bệnh nhân 55 tuổi ngụ tại phường 9, quận 3, TP HCM, vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong tình trạng sốt cao kéo dài, nghi ngờ sốt xuất huyết. Một ngày sau nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu suy thận. Các xét nghiệm sau đó cho thấy ông mang virus Hanta có từ chuột. Bệnh nhân cho biết trước đó đã bị chuột cống cắn ở chân trong lúc ngủ.
Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, Hanta virus truyền qua người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu chuột. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận bệnh nhân nhiễm loại virus này và tất cả đều có tiếp xúc với chuột cống.
Cũng theo bác sĩ Siêu, bệnh có thể khỏi sau 7-10 ngày. Nguy hiểm ở chỗ chưa có văcxin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị và không ít trường hợp nhiễm Hanta tử vong rất nhanh do suy gan suy thận cấp. May mắn là không phải ai bị chuột cắn cũng nhiễm virus Hanta và không phải chuột cống nào cũng mang virus này.
Từ kết quả xét nghiệm cho thấy có mẫu chuột dương tính với Hanta virus, các bác sĩ Viện Pasteur TP HCM khuyên người dân nên cẩn trọng hơn, tránh bị chuột cắn bằng cách ngủ mùng. Người dân sống ở những khu vực gần chợ, nhà ga cần tăng cường các biện pháp diệt chuột, không nên để rác trong nhà thu hút chuột vào tìm thức ăn.