Các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke đã xác định được một protein có thể giúp xác định vóc dáng của một người (có dáng hình quả táo hay quả lê) và nguy cơ người đó mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim.
Nghiên cứu này được công bố ngày thứ Hai (23/3) trong tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích trên loài cá vằn có và không có gen Plexin D1. Kết quả thu được là, những con cá không có gen này thường có lượng chất béo nội tạng ít hơn và ít có nguy cơ kháng insulin - tiền thân của bệnh tiểu đường, thậm chí ngay cả khi chúng ăn một chế độ ăn giàu chất béo. Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature cũng có kết luận liên quan đến Plexin D1 và cho rằng gen này có tác động đến tỉ lệ eo-hông của con người và là Plexin nguyên nhân tích tụ mỡ thừa trong cơ thể và dẫn đến bệnh tiểu đường..
Bệnh tim là bệnh được gắn với sự tích lũy nhiều chất béo nội tạng ở vùng bụng - vóc dáng hình quả táo hay tích tụ mỡ dưới da ở hông và đùi - vóc dáng hình quả lê. Lượng chất béo tích tụ nhiều ở vùng bụng có thể làm tăng nguy cơ viêm và gây các bệnh chuyển hóa bao gồm huyết áp cao, đột quỵ và tiểu đường.
"Nghiên cứu này xác định cách thức mà các phân tử ảnh hưởng đến việc lưu trữ chất béo trong cơ thể, và kết quả là chúng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, sự trao đổi chất ra sao", tác giả nghiên cứu cấp cao John F. Rawls, giáo sư di truyền học phân tử và vi sinh học tại Đại học Y Dược Duke cho biết trong thông cáo báo chí. "Trong tương lai, cách thức này có thể trở thành mục tiêu tiềm năng để nghiên cứu giải quyết các mối nguy hiểm liên quan đến sự tích tụ mỡ nội tạng", giáo sư Rawls cho biết thêm.
Rawls và đồng nghiệp của ông, tiến sĩ James E. Minchin đã nghiên cứu cá vằn vì nghiên cứu này không thích hợp trên chuột - chúng đã chết khi bị loại bỏ gen Plexin D1.
Các nhà khoa học đã sử dụng một loại thuốc nhuộm hóa chất huỳnh quang màu các tế bào chất béo của động vật. Từ đó họ thấy rằng cá vằn đột biến có ít chất béo nội tạng hơn so với những con cá vẫn còn chứa các gen Plexin D1. Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy rằng những con cá không có gen này có lượng mô mỡ nội tạng nhỏ hơn nhưng nhiều hơn so với những loài cá vẫn có gen. Đây là một yếu tố được coi là có thể giảm nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa trong cơ thể.
Những con cá trong quá trình nghiên cứu được cho ăn một chế độ ăn giàu chất béo trong một vài tuần. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy sự khác biệt, thậm chí rất mạnh mẽ, của sự phân phối chất béo giữa các nhóm cá. Khi cho các con cá này tiêu thụ đường, họ nhận thấy rằng những con cá biến đổi gen cũng có thể loại bỏ đường trong máu của chúng hiệu quả hơn - mấu chốt để giảm nguy cơ bệnh tiểu đường và bệnh tim. Các nhà nghiên cứu tại Viện Karolina ở Thụy Điển đã phân tích mẫu bệnh phẩm của con người và phát hiện ra mối liên hệ tương tự giữa mức độ Plexin D1 cao và nguy cơ bị bệnh tiểu đường type 2.
"Chúng tôi nghĩ rằng Plexin D1 thực hiện chức năng liên hệ giữa các mạch máu đến mô mỡ nội tạng. Tức là, các gen tạo mạch máu cũng đang thiết lập cấu trúc để chứa các tế bào chất béo. Và vai trò này làm lệch đi sự phân bố và hình dạng của chất béo. Nó có thể chỉ là một trong nhiều gen khác nhau tạo rahình dáng cơ thể và sức khỏe tổng thể trao đổi chất, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim", Minchin, tác giả chính của nghiên cứu cho biết trong thông cáo báo chí.
(Nguồn: FoxxNews)