Chào bác sĩ, em đang bị hiếm muộn. Sở dĩ em nói bị hiếm muộn là bởi vì em lấy chồng gần 2 năm, không dùng biện pháp kế hoạch nào mà đến nay vẫn chưa có em bé. Vợ chồng em dùng que thử rụng trứng để canh ngày rụng trứng nhưng tháng nào cũng không trúng. Em nghĩ em bị rối loạn rụng trứng. Kinh nguyệt của em cũng không đều. Bác sĩ cho em hỏi, em nên thực hiện xét nghiệm gì để biết mình bị rối loạn rụng trứng? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Hải Lâm)

Trả lời:

Bạn Hải Lâm thân mến!

Theo như bạn nói thì đúng là vợ chồng bạn đang trong hoàn cảnh hiếm muộn, nhưng nguyên nhân hiếm muộn thì chỉ có thể được bác sĩ xác định chính xác qua việc thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. 

rối loạn rụng trứng gây vô sinh
Chu kì kinh nguyệt không đều sẽ ảnh hưởng đến rụng trứng và cũng có thể gây ra rối loạn rụng trứng - nguyên nhân dẫn đến vô sinh. Ảnh minh họa

Chu kì kinh nguyệt không đều sẽ ảnh hưởng đến rụng trứng và cũng có thể gây ra rối loạn rụng trứng - một nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn, vô sinh ở người phụ nữ. Tình trạng rối loạn rụng trứng kéo dài không được điều trị có thể gây rối loạn trao đổi chất hormone sinh dục, tăng sản nội mạc tử cung, không có tác dụng đối kháng của hormone progesterone theo chu kì, dễ gây ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú và dẫn đến vô sinh ở nữ giới.

Đối với người phụ nữ, một trong những điều kiện để có thai tự nhiên là phải có noãn phát triển và trưởng thành, phụ thuộc vào chức năng của buồng trứng, tuyến yên. nếu noãn không trưởng thành thì cũng không thể thụ thai được.

Tuy nhiên, không thể chỉ xác định vào biểu hiện kinh nguyệt không đều mà có thể kết luận bạn bị rối loạn rụng trứng và hiếm muốn. Các yếu tố khác như thói quen sống, sinh hoạt tình dục, chế độ ăn uống... cũng có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết của bạn và tác động đến chu kì rụng trứng. 

Trong trường hợp của bạn, tốt nhất, bạn nên tới bệnh viện chuyên về sản phụ khoa (tuyến Tỉnh, Thành phố hoặc Trung ương), có chuyên khoa sản phụ để được khám kỹ, tìm nguyên nhân gây hiếm muộn. Các bác sĩ sẽ phải kiểm tra cơ quan sinh dục (cơ quan sinh dục ngoài, buồng trứng, vòi trứng, niêm mạc tử cung, tử cung, xét nghiệm nội tiết tố sinh dục nữ)... và làm những xét nghiệm cần thiết, từ đó mới có hướng điều trị tích cực.

Chúc vợ chồng bạn sớm có em bé!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:[email protected].