Đó là nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Y Hà Nội khi khảo sát, thống kê thông qua phỏng vấn hàng trăm người bệnh không bị ung thư và người bệnh ung thư. Kết quả cho thấy, tỷ lệ người bị bệnh ung thư dạ dày cao hơn nếu gia đình đó không sử dụng tủ lạnh.
Tủ lạnh ngăn chặn chất gây ung thư
Khảo sát 330 người không sử dụng tủ lạnh để bảo quản thức ăn thì có đến 185 bệnh nhân bị ung thư dạ dày, 145 người không mắc bệnh ung thư. Còn đối với người có sử dụng tủ lạnh, tổng số đối tượng được khảo sát là 282 người, số người bị bệnh ung thư dạ dày là 121 và 161 người không bị bệnh ung thư.
Khảo sát đối với bệnh ung thư đại trực tràng trên 268 người không sử dụng tủ lạnh thì 145 người mắc bệnh và 123 người không mắc bệnh. Trong số 220 người sử dụng tủ lạnh trong gia đình có 99 người mắc bệnh ung thư đại trực tràng và 121 người không mắc bệnh ung thư.
Theo PGS.TS Lê Trần Ngoan, Bộ môn Sức khoẻ Nghề nghiệp, trường Đại học Y Hà Nội, qua khảo sát cho thấy, các gia đình có tủ lạnh giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng hơn các gia đình không sử dụng tủ lạnh.
Ở phương diện sử dụng thức ăn gia đình, tủ lạnh giúp bảo quản thức ăn, chống nấm mốc và ngăn chặn hình thành chất Aflatoxin làm ô nhiễm thực phẩm và các món ăn. Ví dụ, các loại hạt như lạc nếu bảo quản trong tủ lạnh sẽ hạn chế bị nấm mốc. Các loại hạt này khi bị mốc sẽ sản sinh ra chất Aflatoxin gây ung thư. Biểu hiện của lạc bị mốc là nhân lạc ăn bị chát, đắng.
PGS.TS Lê Trần Ngoan chia sẻ thêm: Tủ lạnh còn giúp bảo vệ, duy trì các chất dinh dưỡng quý như các vitamin, các chất vi lượng, muối khoáng có trong rau xanh, quả tươi và góp phần nâng cao chất lượng dinh dưỡng có tác dụng phòng chống bệnh ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng...
Sử dụng tủ lạnh đúng cách
Theo các chuyên gia về tủ lạnh, việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh đúng cách sẽ giúp thực phẩm tươi giữ được vị thơm ngon, hạn chế giảm chất dinh dưỡng và ngăn ngừa sự biến đổi các chất có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, đây mới là một "vế chính" của việc sử dụng tủ lạnh trong bảo quản thức ăn. Bởi không phải cứ để thức ăn vào tủ lạnh là có thể đáp ứng được các yếu tố trên. Nhiều gia đình cho thức ăn vào tủ lạnh một cách bừa bãi và để lâu dẫn đến thực phẩm vẫn bị nấm mốc, hư hỏng. Vì thế, cần tùy thuộc loại thức ăn, thời gian bảo quản mới mong hạn chế được sự thay đổi, phát triển của các chất độc hại.
PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học Nhiệt lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, tùy mỗi loại thức ăn, thực phẩm người dân nên để ở các ngăn khác nhau. Điều này nhằm tránh làm ảnh hưởng mùi, lây lan vi khuẩn cũng như nhiệt độ chênh nhau làm ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng của thực phẩm. Ngăn đá thường có nhiệt độ -10 độ C để bảo quản đồ ăn đông.
Các ngăn dưới đều được phân ra đựng đồ ăn chín và đồ ăn sống, đựng hoa quả... Ngăn trên nên dùng để bảo quản đồ ăn sống, giúp thức ăn được tươi ngon. Tất cả đồ ăn, hoa quả đều phải cho vào khay, hộp, túi bóng đựng và đậy kín tránh bay mùi, nước nhỏ ra khắp tủ lạnh.
Đối với thực phẩm để trong tủ lạnh nên dùng sớm, tránh để lưu cữu lâu ngày. Theo các nghiên cứu, tủ lạnh gia đình có nhiệt độ khoảng -12 đC trở lên sẽ bảo quản thực phẩm được khoảng vài tuần đến 2 tháng. Tốt nhất, các sản phẩm tươi nên ăn trong ngày, lâu nhất là 2 ngày. Thực phẩm khô chỉ nên bảo quản khoảng 1 tháng trở lại.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi còn cho biết: Kể cả các ngăn đông của tủ lạnh cũng cần có thời gian nhất định tùy vào nhiệt độ cài đặt. Tủ đặt - 12 độ C bảo quản được thức ăn trong 2 - 3 tháng, - 18 độ C được 5 - 6 tháng, - 29 độ C được một năm.
Sử dụng tủ lạnh đúng cách không những giúp bạn bảo vệ tuổi thọ của máy mà còn tiết kiệm được lượng điện đáng kể