Tỏi từ lâu được biết đến là loại thực phẩm vô cùng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, gần đây có nhiều lời đồn thổi cho rằng tỏi mọc mầm là “thần dược” chữa được bệnh ung thư. Các chuyên gia cho rằng, tỏi mọc mầm không chữa khỏi được ung thư nhưng có thể ức chế sự phát triển của một số dòng tế bào ung thư, hỗ trợ trong việc điều trị căn bệnh này.

Trên rất nhiều diễn đàn của mạng xã hội, nhiều thành viên chia sẻ các bài viết với tiêu đề như: “Đừng vứt tỏi mọc mầm. Chúng có thể cứu sống bạn đấy!”; “Tại sao tỏi mọc mầm được xem là thần dược chữa bách bệnh?”; “ Tỏi mọc mầm - “thần dược” thường bị vứt bỏ ” … Đa số nội dung các bài viết đề cập đến công dụng thần kỳ của tỏi mọc mầm, đặc biệt là chống lại bệnh ung thư hơn cả những tép tỏi tươi mới.

“Tỏi mọc mầm chứa rất nhiều các hoạt chất giúp ức chế các tế bào gốc tự do gây ung thư giúp phòng chống ung thư rất tốt. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, hợp chất phytoalexin có lợi cho sức khỏe con người tăng rất mạnh khi tỏi bắt đầu này mầm. Khi ăn tỏi nảy mầm, hợp chất này sẽ giúp hỗ trợ sức đề kháng, tăng khả năng ức chế các loại vi rút, vi khuẩn và các tế bào gốc tự do có hại cho cơ thể. Chính vì vậy, nếu bạn đang có ý định vứt bỏ những tép tỏi cũ đã mọc mầm để thay bằng những tép tỏi tươi mới hơn thì hãy suy nghĩ lại nhé, bởi rất có thể chúng sẽ cứu sống bạn đấy!”- một trang web thu hút rất nhiều chị em chia sẻ thông tin.

Được cho là “khắc tinh” của bệnh ung thư, “là vị thuốc tự nhiên phòng chống căn bệnh nguy hiểm này”, trên một trang mạng khác có viết: “Thông thường, các củ quả mọc mầm hầu hết đều phát sinh những chất độc, thậm chí là kịch độc như khoai tây. Tuy nhiên với tỏi, việc mọc mầm của loại củ gia vị này thì ngược lại, thậm chí còn “chiến đấu” rất tốt với bệnh ung thư”.

Trước những thôn tin này, nhiều người tỏ rất tin tưởng làm theo: “Bình thường ở nhà mình cứ thứ gì mọc mầm là mình quăng không thương tiếc. Bữa nay đọc được bài này thấy hồi đó giờ mình lãng phí quá”. Thậm chí một số thành viên khác còn hướng dẫn cách để tỏi có thể mọc mầm và không bị thối, teo tóp…

Tuy nhiên, không ít người cũng tỏ ra hoài nghi về thông tin này: “Sao ngày xưa người ta lại nói ăn tỏi mọc mầm không tốt, dễ gây ung thư nhỉ?”. Thành viên khác cũng tỏ ra băn khoăn: “Mình cũng nghe nói tỏi mọc mầm ăn vô rất độc. Chẳng biết tin vào đâu…”. “Có nghiên cứu nào chưa? Mình thì không tin thế! Tất cả những thứ mọc mầm đều đã mất đi phần dinh dưỡng, chưa kể sự chuyển hóa các chất nữa. nếu có một chứng minh khoa học có lẽ sẽ hay hơn nhiều!”…

Không chỉ nói về tác dụng chống lại bệnh ung thư, trên mạng xã hội còn chia sẻ nhiều tác dụng khác của tỏi mọc mầm như điều trị ngộ độc thực phẩm, bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa đột quỵ, chống lão hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch…

Thận trọng với tỏi mọc mầm

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe&Đời sống xung quanh tác dụng chữa bệnh ung thư của tỏi mọc mầm, Lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh, tỏi mọc mầm không thể chữa được ung thư, mà nó chỉ có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Do đó, người dân cũng cần thận trọng khi tìm hiểu thông tin chữa bệnh trên mạng xã hội.

"Đối với tỏi mọc mầm nhìn chung về thành phần cũng không khác tỏi bình thường. Nhưng khi tỏi mọc mầm là trong quá trình chuyển hóa sinh trưởng, vì vậy chúng có thể sinh ra nhiều hoạt chất mới và có nhiều tác dụng khác nữa mà chúng ta chưa khám phá hết. Ung thư là một bệnh rất nguy hiểm vì vậy cần lưu ý khi sử dụng tỏi mọc mầm cho người bệnh. Còn để phòng tránh bệnh, chúng ta có thể sử dụng tỏi tươi hay tỏi mọc mầm sống trong mỗi bữa ăn hằng ngày” - Lương y Quốc Trung nhấn mạnh.

Tỏi là một thực phẩm làm gia vị rất bình thường nhưng nó lại là một vị thuốc quý nếu biết sử dụng. Trong Đông y, tỏi vị cay, tính ấm, hơi có độc, vào 2 kinh Can, Vị. Người ta có thể sử dụng tỏi kết hợp với một số vị thuốc để hỗ trợ điều trị ung thư như: Tỏi kết hợp với Bạch hoa xà thiệt thảo, hồ lô chữa ung thu dạ dày. Hoặc cũng có thể dùng tỏi giã nát ngâm với rượu uống nửa đến một chén vào mỗi buổi sáng để phòng chống ung thư, giảm mỡ máu, hạ huyết áp. Với tỏi mọc mầm, người ta ngâm trong rượu, trong giấm hoặc xay, giã, ăn sống trực tiếp…

Tỏi mọc mầm có chất có thể ức chế sự phát triển một số dòng tế bào ung thư

TS. Trịnh Tất Cường, Phòng Enzym học và phân tích hoạt tính sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, tỏi có tên khoa học là Allium stavium , thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae) hay Hoa kèn đỏ Amaryllidaceae, chi Allium. Cho đến nay, sự so sánh giữa các thành phần trong tỏi nảy mầm và tỏi chưa nảy mầm vẫn chưa có công bố khoa học chính xác về vấn đề này. Tuy nhiên, theo tự nhiên thì trong quá trình nảy mầm chắc chắn sẽ có những chất mới tạo thành để giúp bảo vệ cho mầm cây chống lại các điều kiện môi trường. 

Do vậy, có thể trong giai đoạn này thì hàm lượng Allicin có thể đã được tổng hợp từ hai thành phần sẵn có trong tỏi là alliin và enzym allinaze còn đối với tỏi bình thường thì Allicin đã được chứng minh là không có. Trong khi đó, Allicin là một chất đã được rất nhiều công bố khoa học trên thế giới và trong nước chứng minh có hoạt tính sinh học quý giúp cho cơ thể có thể chống lại được nhiều bệnh tật khác nhau kể cả một số dòng tế bào ung thư.

Theo TS. Cường, thực tế thì tỏi được sử dụng rất phổ biến, là một gia vị không thể thiếu trong những bữa ăn và là vị thuốc có giá trị chữa bệnh cao. Trong những thập niên gần đây, cùng với sự phát triển của 2 loại bệnh tim mạch và ung thư, các nhà khoa học đã chứng minh được tỏi có khả năng chống oxy hóa, chống đột biến tế bào, hạ độ mỡ trong máu và làm giảm nguy cơ máu đông. Bởi vì, tỏi có hoạt chất chống oxy hóa mạnh, có thể ngăn chặn các quá trình trên. Trong tỏi thường có 3 hoạt chất chính: allicin, liallyl sulfide và ajoene. Trong đó, Allicin là hoạt chất quý nhất và quan trọng nhất của tỏi, nhưng không có sẵn ở trong tỏi. Tuy nhiên, khi được cắt mỏng hoặc đập dập và dưới sự xúc tác của men allinase, chất alliin có sẵn trong tỏi sẽ tự tổng hợp thành allicin. Nhưng Allicin dễ mất hoạt tính sau khi được hình thành và càng để lâu càng mất hoạt tính. Bên cạnh đó, Allicin có một số dược tính có lợi mà giúp cho cơ thể có khả năng tăng cường đáp ứng lại một số bệnh.

“Các nghiên cứu gần đây đã công bố allicin: Có khả năng chống viêm nhiễm, tăng cường hoạt tính của các tế bào trong quá trình thực bào, tăng cường hoạt tính của các tế bào giết tự nhiên, ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, ức chế sự phát triển của những tế bào ung thư. Do vậy, theo tôi mầm tỏi hoàn toàn có khả năng ức chế được sự phát triển của một số dòng tế bào ung thư. Tuy nhiên, mầm tỏi có khả năng chữa được các dòng ung thư nào, ở giai đoạn nào của người bệnh thì cần phải được chứng minh bằng khoa học cũng như phải trải qua nghiên cứu lâm sàng”- TS. Cường nói.

"Thường thì quá trình nảy mầm sẽ sinh ra một số chất mới. Do vậy, ngoài những chất có lợi cho sức khỏe cũng cần phải đánh giá những chất không có lợi mới được sinh ra. Bởi vì, chúng ta chưa biết chính xác trong thành phần của tỏi nảy mầm có Allicin hay không? và hàm lượng là bao nhiêu? được tạo thành hay không nên rất khó có thể đưa ra liều sử dụng. Vì theo các công bố Allicin là một chất kém bền ngày cả ở điều kiện bình thường còn khi qua đường tiêu hóa thì khả năng Allicin ngấm được vào cơ thể với một hàm lượng rất thấp"- TS. Trịnh Cường cho biết.