Mãn kinh ở tuổi 21

Khi kinh nguyệt của Amanda Warne dừng lại ở tuổi 21, các bác sĩ đã chẩn đoán nguyên nhân là do căng thẳng và việc tập luyện quá mức cùng chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt.

Trong vòng 4 năm sau đó, cô rơi vào trạng thái trầm cảm và tâm trạng thất thường. Warne liên tục phải tới gặp bác sĩ và chuyên gia. Bên cạnh đó, một loạt xét nghiệm máu cho thấy lượng hormone trong cơ thể cô không ổn định.

Cuối cùng, các bác sĩ đã kết luận rằng cô sinh viên thể thao trẻ tuổi mắc chứng mãn kinh sớm dù nguyên do không rõ ràng.


Amanda Warne bị mãn kinh ở tuổi 21.

"Không thể tin nổi! Tôi đang theo học tại Học viện Thời trang London và có một người bạn trai. Anh ấy nói thẳng rằng anh ấy sẽ không thể ở bên tôi mãi bởi mong muốn có con của anh ấy còn lớn hơn tình yêu anh ấy dành cho tôi", Amanda nói, "Tôi hoàn toàn suy sụp và cảm thấy mình thật vô dụng".

Amanda cũng nhận ra rằng cô bị trầm cảm, tâm trạng thất thường, hay lo lắng và kiệt sức - những dấu hiệu quen thuộc có ở những phụ nữ bị mãn kinh sớm.

Sau khi được điều trị bằng Liệu pháp hormone thay thế (HRT), tình trạng của Amanda đã được cải thiện nhưng cô vẫn luôn bị đau đầu, kiệt sức và suy giảm ham muốn tình dục.

Loãng xương, đột quỵ, chết sớm

Amanda càng lo lắng hơn khi biết rằng những phụ nữ bị mãn kinh sớm thì có nguy cơ xuất huyết não cao hơn thông thường. 

Ngoài tai biến mạch máu não, những phụ nữ bị mãn kinh sớm còn có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn phụ nữ mãn kinh trong độ tuổi 52-55 tới 80%. Theo nghiên cứu của Mayo Clinic (Mỹ), những phụ nữ này còn dễ bị loãng xương, mắc các bệnh rối loạn thần kinh như Parkinson, Alzheimer và chết sớm.
 
Theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ bị mãn kinh trước tuổi sẽ dễ bị chết sớm hoặc mắc bệnh tim nếu không được điều trị HRT.

Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng chứng mãn kinh sớm xảy ra khi buồng trứng ngừng hoạt động trước tuổi 40. Nguyên nhân là do lượng hormone oestrogen bị giảm một cách đột ngột.

"Oestrogen đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì tình trạng của các mô liên kết trong cơ thể như mạch máu, da, dây chằng và xương", Kevin Harrington, bác sĩ phụ khoa tại bệnh viện Bupa Cromwell (London, Anh) nói.

Oestrogen giảm sẽ làm chất lượng mạch máu bị suy yếu và dẫn tới những tình trạng như đột quỵ. Lượng oestrogen thấp còn ảnh hưởng tới mắt và miệng. Đó là lí do vì sao các bệnh nhân có xu hướng mắc các bệnh răng miệng và đục thuỷ tinh thể.

Bác sĩ Harrington cho biết thêm rằng tuyến giáp cũng có thể bị tổn hại.  "Với một số người, cơ thể sản sinh ra kháng thể tấn công buồng trứng, đồng thời sẽ sản sinh ra kháng thể tấn công tuyến giáp".

Đó có thể là trường hợp của Amanda. Tuyến giáp của cô hoạt động không hiệu quả nên cô bị tăng cân và cảm thấy mệt mỏi liên tục.

Lối sống có thể là phần nào nguyên do. Các nhà khoa học thuộc ĐH Imperial đã tìm thấy mối liên kết giữa chứng mãn kinh sớm và hút thuốc lá. Một nghiên cứu năm 2011 cũng cho thấy tác động qua lại giữa chứng này và PFC - hoá chất có trên chảo chống dính và vỏ bọc thực phẩm. Theo đó, phụ nữ có lượng PFC trong cơ thể cao thì có lượng oestrogen trong máu thấp.

Ngoài ra, gene di truyền và các liệu pháp trị ung thư cũng góp phần gây nên chứng này. Phụ nữ dễ bị mãn kinh sớm nếu mẹ của họ cũng có tiền sử mắc chứng này. Mãn kinh sớm cũng có thể là "tác dụng phụ" của hoá trị và xạ trị.

Mặc dù trường hợp của Amanda khá bất thường nhưng không hiếm như nhiều người vẫn nghĩ. "Mãn kinh trước tuổi phổ biến hơn người ta tưởng", Nick Panay, chủ tịch Hiệp hội Mãn kinh của Anh nói.

Trước kia người ta ước tính rằng số người mắc chứng này chiếm 1% nhưng nghiên cứu năm 2011 của ĐH Imperial College London chỉ ra rằng tỉ lệ thực cao gấp 6 lần, tức là trong số 16 phụ nữ, sẽ có 1 người bị mãn kinh trước tuổi.