Triệu trứng dễ nhầm lẫn ngày "đèn đỏ"
Kết thúc chu kỳ kinh, chị Tình (Thanh Trì, Hà Nôi) thấy những cơn đau bụng thắt ruột, đồng thời vùng kín ra máu. Thấy những biểu hiện này bất thường, chị đến một phòng khám sản khoa siêu âm và yên tâm ra về khi bác sĩ kết luận chị chỉ bị rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, những cơn đau vẫn hành hạ chị, chị liên tục muốn đi đại tiện mà không được.
Chỉ khi thấy máu ra nhiều, bụng đau dữ dội chị mới đến Bệnh viện phụ sản trung ương để khám. Bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu khẩn cấp để giữ tính mạng vì chị bị thai ngoài tử cung và thai đã vỡ.
Khác triệu chứng của chị Tình, chị Phương Thùy (Ba Đình, Hà Nội) thấy chậm kinh cả tháng, sau đó lại máu ra nhiều như ngày "đèn đỏ", kéo dài gần nửa tháng. Lo lắng có thai không biết dẫn đến bị sẩy, chị Thùy dùng que thử thai thì xuất hiện hai vạch. Cẩn thận, chị đi siêu âm tại phòng khám bác sĩ cho biết thai chưa vào tử cung cần theo dõi chửa ngoài tử cung và sẩy thai.
Hai ngày sau chị đi khám ở viện Phụ sản thì bác sĩ yêu cầu mổ khẩn cấp vì thai nằm ngoài tử cung. Tuy kịp mổ trước khi thai vỡ nhưng chị vẫn bị cắt một bên vòi trứng.
Ngoài chị Tình, Phương Thùy còn nhiều chị em khác bị chửa ngoài tử cung mà không hay biết. Bởi trên thực tế, triệu chứng chửa ngoài tử cung rất dễ nhầm với sẩy thai, đau dạ dày…
Những tai biến nguy hiểm
Những tai biến nguy hiểm
Theo các bác sĩ sản khoa thì: chửa ngoài tử cung rất nguy hiểm, nếu điều trị muộn, để thai bị vỡ, chảy máu nhiều có thể dẫn đến biến vô sinh, thậm chí là tử vong.
Biểu hiện hay gặp nhất khi bị thai ngoài tử cung là chậm kinh, rong huyết, đau âm ỉ vùng dưới rốn với cơn đau tăng dần kèm theo biểu hiện "mót" đại tiện nhưng không thể đi được… Điển hình như trường hợp của chị Tình, Phương Thùy may mắn giữ được tính mạng nhưng cả hai đều phải cắt bỏ vòi dẫn trứng bên túi thai bị vỡ nên nguy cơ vô sinh là rất lớn.
Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Y tế lao động Thái Hà cho biết: Chửa ngoài tử cung là một mối nguy, luôn được quan tâm hàng đầu đối với các sản phụ. Nếu bỏ sót, chậm trễ trong việc xử lý, túi thai vỡ gây phá vỡ các mạch máu nơi nó làm tổ sẽ làm xuất huyết ồ ạt trong ổ bụng. Việc này dẫn đến mất máu nhanh và có thể gây tử vong nhanh chóng.
Trên thực tế, đã có nhiều sản phụ đã bị vỡ túi thai, lượng máu đông cục thu được trong ổ bụng rất nhiều, khoảng từ 700ml cho tới hơn 1 lít máu.
Thông thường, trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển theo ống dẫn trứng để vào trong tử cung "làm tổ". Sau 1 - 2 tuần chậm kinh, đi siêu âm sẽ thấy túi thai trong tử cung. Nhưng có những người, phôi thai đang di chuyển qua ống dẫn trứng thì bị tắc lại đó.
Phôi thai lớn dần lên, đến một mức nào đó sẽ phá vỡ các mạch máu nơi nó đậu lại trên vòi trứng, gây chảy máu dữ dội trong ổ bụng. Khi túi thai đã vỡ gây xuất huyết ồ ạt trong ổ bụng thì rất nguy hiểm. Dù được mổ cấp cứu nhưng thai phụ đều phải cắt bỏ vòi trứng bên thai vỡ.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ không mấy phức tạp, cũng không gây nguy hiểm cho thai phụ và không phải cắt bỏ vòi trứng.
Bác sĩ Dung cho biết thêm: Nguyên nhân cơ bản khiến thai phụ chửa ngoài tử cung là do đã từng nạo phá thai hoặc viêm nhiễm vòi trứng khiến lối đi lại của ống dẫn trứng không còn thông thoáng nữa và phôi thai tắc ngay tại điểm hẹp. Trước tình trạng nạo phá thai tràn lan như hiện nay, chửa ngoài tử cung đang có xu hướng tăng lên.
Ngoài ra, thai di chuyển chậm cũng có thể gây chửa ngoài tử cung, vì khi chưa kịp di chuyển vào buồng tử cung thai đã lớn quá cỡ và bám vào thành vòi ống dẫn trứng.
Thai ngoài tử cung có thể đề phòng bằng cách giữ vệ sinh phụ nữ tốt, hạn chế nạo phá thai, phòng ngừa viêm nhiễm sinh dục, đi khám sau vài ngày chậm kinh và theo chỉ định của bác sĩ để kịp thời phát hiện.
Có những trường hợp thai vào tử cung sớm nhưng cũng có những trường hợp phôi thai di chuyển muộn, nên phải theo dõi rất chặt chẽ, tránh nguy cơ bỏ sót tai biến chửa ngoài tử cung.
Thai ngoài tử cung có thể đề phòng bằng cách giữ vệ sinh phụ nữ tốt, hạn chế nạo phá thai, phòng ngừa viêm nhiễm sinh dục, đi khám sau vài ngày chậm kinh và theo chỉ định của bác sĩ để kịp thời phát hiện.
Có những trường hợp thai vào tử cung sớm nhưng cũng có những trường hợp phôi thai di chuyển muộn, nên phải theo dõi rất chặt chẽ, tránh nguy cơ bỏ sót tai biến chửa ngoài tử cung.