Tại hai bệnh viện Nhi Đồng, số trẻ mắc các chứng bệnh theo mùa như tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có dấu hiệu chững lại.
Tuy nhiên, đây chỉ là bước chuyển tiếp mang tính chu kỳ của bệnh, dù số trẻ nhập viện trong tháng 11 giảm so với tháng trước nhưng cả sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với trẻ vì số bệnh nhi phải nhập viện đa phần là bệnh nặng việc điều trị rất khó khăn. Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh tuyệt đối không được lơ là trong việc phòng ngừa hai loại bệnh nguy hiểm này.
Bên cạnh hai loại bệnh “truyền thống” kể trên, những chứng bệnh như sốt phát ban, thủy đậu, quai bị đang có dấu hiệu tăng lên. Nhưng nguy hiểm hơn cả đối với trẻ trong giai đoạn từ nay đến cuối năm là bệnh về đường hô hấp.
Trung bình mỗi ngày hai bệnh viện Nhi Đồng trên địa bàn thành phối đang phải tiến nhận và điều trị cho khoảng 600 đến 700 trẻ mắc các chứng bệnh viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm thanh khí phế quản và hen suyễn. Trẻ dưới 2 tuổi là đối tượng dễ bị bệnh hô hấp tấn công nhất.
Để nâng cao sức đề kháng cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc. Khi thời tiết lạnh phải đặc biệt chú ý giữ ấm cho trẻ, hạn chế đưa trẻ đi lại ngoài đường. Với các cháu đang mắc bệnh suyễn cần sử dụng thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Tiêm ngừa cúm cho các cháu khi có điều kiện, đặc biệt là các cháu đang mắc bệnh suyễn.
Bên cạnh việc phòng ngừa các chứng bệnh nói trên, phụ huynh cần chú ý đến chất lượng bữa ăn cho trẻ để tránh trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong những ngày lễ tết. Bác sĩ khuyến cáo khi trẻ có các biểu hiện nóng sốt cao, ho nhiều, thở mệt, chân tay nổi bỏng nước, họng miệng lở loét… phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.