Thay vì “hốt hoảng” với những nốt mụn đỏ trên mặt, phái đẹp nên hiểu đúng nguyên nhân để chữa kịp thời khi bị mụn trứng cá ở tuổi “toan về già.”
Androgen – “thủ phạm” đem mụn đến
Chị L.T.P.M., 36 tuổi, sống tại Q.Thanh Xuân (Hà Nội) đang có những ngày “khổ sở” vì hàng loạt nốt mụn đỏ trên trán. Là mẹ của cô con gái 11 tuổi, chị cứ đinh ninh sẽ không bao giờ gặp phải mụn trứng cá "đặc sản của tuổi dậy thì" nữa. “Mình mất tự tin hẳn mỗi ngày đến cơ quan làm việc. Chị em đồng nghiệp hỏi thăm về mấy nốt mụn, người mách đi thẩm mỹ viện nặn mụn, người kia tư vấn mỹ phẩm, thuốc bắc,… nhưng tình hình chẳng khả quan, lại còn nặng hơn vì mình nặn mụn nên da bị thâm,” chị M. tâm sự.
Trường hợp chị M. không phải hiếm gặp. Đây chính là loại mụn trứng cá mà các bác sĩ da liễu gọi là "mụn trứng cá muộn" hay gặp ở chị em tuổi trung niên. “Thủ phạm” gây mụn trứng cá muộn chính là nội tiết tố androgen, là loại nội tiết tố sinh dục nam được cơ thể tiết ra bắt đầu từ dậy thì và giảm dần theo độ tuổi sinh đẻ.
Theo PGS.BS. Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, thông thường cơ thể phụ nữ sản sinh ra đồng thời nội tiết tố nữ estrogen và nội tiết tố nam androgen. Nhờ estrogen, phái đẹp phát triển và duy trì được những nét nữ tính, giúp da dẻ hồng hào, mịn màng. Trong khi đó, androgen lại có vai trò bảo vệ da do tác động sản xuất bã nhờn, duy trì độ trơn láng, bóng mượt cho da. Tuy nhiên, tình trạng cường androgen – là khi nội tiết tố này hoạt động quá mạnh – sẽ dẫn đến tuyến bã nhờn hoạt động “dư” công suất. Khi đó, chị em phụ nữ có thể cảm nhận được làn da trở nên rất nhờn, tế bào ống trong tuyến bã bị sừng hoá nhiều hơn, làm bít lỗ chân lông, gây mụn trứng cá.
CPA – “vũ khí” chống mụn do nội tiết tố
Theo các chuyên gia da liễu, mụn trứng cá do nội tiết tố không phải là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, phái đẹp có thể làm mụn “trầm trọng” thêm do tâm lý nôn nóng chữa trị bằng mọi cách.
“Nhiều người vì mặc cảm nên không tìm đến sự tư vấn của bác sĩ mà tự ý sử dụng kem trộn, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, tự đắp mặt nạ… dẫn đến nhiều biến chứng như mụn càng trở nặng, để lại vết thâm, sẹo lồi, sẹo lõm hoặc gây viêm da…” BS. Võ Thị Bạch Sương – Giảng viên bộ môn Da liễu Đại học Y Dược TP HCM đánh giá.
Tuổi trung niên cũng dễ mắc phải tâm lý chán nản và bỏ cuộc khi nỗ lực trị mụn không thành. Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học đã cho thấy mụn do nội tiết tố hoàn toàn có thể chữa trị được bằng các chất kháng androgen mạnh, trong đó có chất cyproterone acetate (gọi tắt là CPA).
Hiện nay, thuốc viên nội tiết kết hợp chứa chất CPA là thuốc điều trị mụn trứng cá nội tiết được các bác sĩ kê toa khá phổ biến. CPA ngăn chặn tác động của nội tiết tố androgen lên tuyến bã nhờn để làm giảm hiện tượng tuyến bã nhờn hoạt động quá mức.
Theo nghiên cứu của tác giả Gollnick và cộng sự đăng trên tạp chí Journal of Dermatological Treatment, hơn 70% phụ nữ đã chữa khỏi mụn trứng cá sau 6 tháng sử dụng thuốc viên nội tiết kết hợp có chứa chất CPA. Để trị mụn hiệu quả, các chuyên gia da liễu khuyên phái đẹp không nên nóng vội mà cần kiên nhẫn duy trì thuốc ít nhất 3 – 4 tháng. Thuốc cũng có tác dụng ngừa thai, nên không dùng thuốc đồng thời với các thuốc tránh thai nội tiết khác.
Do thiếu thông tin chính thống và ngại đi gặp bác sĩ chuyên khoa nên nhiều người không những không khỏi mụn mà tình trạng mụn tiến triển nặng hơn, hoặc dẫn đến biến chứng. Trang thông tin trực tuyến www.tutintoasang.com.vn do Hội Da liễu Việt Nam bảo trợ cung cấp nguồn thông tin chính thống nhằm nâng cao hiểu biết về mụn trứng cá, xóa bỏ những nhận định chưa đúng về bệnh. |
Theo MASK Online