Có thể thấy nhu cầu cấy ghép giác mạc của nước ta đang ngày càng tăng. Tuy nhiên kỹ thuật ghép giác mạc hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư bác sĩ Donald Tan, về bệnh viêm giác mạc và kỹ thuật ghép giác mạc tiên tiến. Ông là bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực phẫu thuật chữa trị các vấn đề về giác mạc và phẫu thuật khúc xạ của bệnh viện Mắt Quốc Gia Singapore (SNEC). Ông đã chữa trị thành công cho hàng trăm người Việt Nam thoát khỏi cảnh mù lòa do những căn bệnh về giác mạc kể cả những bệnh nhân bị tạt axít đến hỏng toàn bộ giác mạc hay những người bị hỏng giác mạc do tai nạn.

Thưa bác sĩ nhiều người Việt Nam hiện nay vẫn chưa có thói quen bảo vệ mắt cẩn thận. Nhiều cô gái trẻ vẫn dùng các loại kính sát tròng trôi nổi trên thị trường hoặc không ít người tự mua thuốc về nhỏ khi đau mắt, cộm mắt. Điều này khiến tỉ lệ bệnh viêm giác mạc trong cộng đồng gia tăng. Giáo sư có thể cho biết về căn bệnh này và sự nguy hiểm của nó?

Giáo sư Donald Tan: Giác mạc là cửa ngõ đầu tiên để ánh sáng truyền vào mắt nên giác mạc tổn thương sẽ khiến thị lực suy giảm nghiêm trọng, thậm chí mù lòa. Một trong những nguyên nhân đe dọa tổn thương giác mạc là các vi trùng gây viêm giác mạc. Khi đã bị viêm giác mạc, cần phải xác định nguyên nhân mới có thể chữa trị đúng cách nếu không tình trạng sẽ ngày càng tệ hơn.
 
Trò chuyện với chuyên gia về cấy ghép giác mạc 1

Khi nào thì cần ghép giác mạc?

Giáo sư Donald Tan: Nếu tình trạng viêm loét giác mạc nghiêm trọng và sẹo giác mạc gây ảnh hưởng đến độ trong của giác mạc và thị lực thì cần phải ghép giác mạc. Một số người bị mắc các chứng bệnh như: Giác mạc hình chóp (Keratoconus), Loạn dưỡng nội mô giác mạc dạng Fuch… cũng cần được ghép giác mạc khi những phương pháp chữa trị khác không hiệu quả.

Hiện nay có bao nhiêu kỹ thuật ghép giác mạc phổ biến?

Giáo sư Donald Tan: Hiện nay có nhiều kỹ thuật ghép giác mạc trên thế giới, 2 kỹ thuật phổ biến là ghép giác mạc phiến và xuyên. Ghép giác mạc xuyên là kỹ thuật ghép toàn bộ giác mạc (ghép xuyên) khiến giác mạc rất lâu hồi phục, nguy cơ thải ghép cao. Vì thế hiện nay tôi ít làm cách này trừ khi bệnh nhân bị hỏng toàn bộ giác mạc. Tôi thường áp dụng cách ghép giác mạc phiến, chỉ thay thế phần giác mạc bị tổn thương bằng một mô tương tự khỏe mạnh từ giác mạc của người hiến. Phương pháp phẫu thuật này giúp thời gian hồi phục nhanh, tỷ lệ thải ghép giảm đáng kể.

Được biết giáo sư còn nổi tiếng khắp thế giới với kỹ thuật cấy răng trong mắt để phục hồi thị lực cho người mù. Bác sĩ có thể cho biết thêm về kỹ thuật này?

Giáo sư Donald Tan: Giai đoạn đầu, giác mạc, bề mặt bên trong mi mắt cùng toàn bộ mô sẹo của mắt do tổn thương cũ được lấy đi và được che phủ trở lại bằng cách ghép niêm mạc lót bên trong má. Bác sĩ nhổ một chiếc răng nanh của bệnh nhân, gồm cả chân răng, xương và các dây chằng. Sau đó, khoan một lỗ nhỏ ở trung tâm của khối răng thành hình cái then (chốt cửa) và đặt vào đó một ống nhựa hình trụ. Toàn bộ khối xương - răng - ống nhựa được cấy ghép tạm thời trong má của bệnh nhân, nhằm tạo cho nó một hệ thống mạch máu.

Giai đoạn 2 của cuộc phẫu thuật sẽ bắt đầu sau 4 tháng. Lúc này, bác sĩ sẽ khoan một lỗ trên bề mặt niêm mạc mắt để đưa khối cấy ghép vào. Giác mạc nhân tạo bằng xương - răng - ống nhựa được lấy ra từ má sẽ được gắn vào lỗ này và thực hiện chức năng của một giác mạc mới, truyền tải ánh sáng tới võng mạc.

Trò chuyện với chuyên gia về cấy ghép giác mạc 2

Giáo sư  đã thực hiện thành công bao nhiêu ca cấy ghép giác mạc với kỹ thuật cấy răng trong mắt?

Giáo sư Donald Tan: Tôi không nhớ rõ nhưng có lẽ là hàng trăm ca, trong đó có khoảng 6 ca tôi thực hiện cho bệnh nhân Việt Nam trong những chuyến công tác đến bệnh viện FV làm việc. Có nhiều bệnh nhân khi tìm đến với tôi đôi mắt họ bị hỏng hoàn toàn sau khi bị tạt axít hoặc tổn thương do tai nạn lao động và tôi đã giúp họ tìm lại ánh sáng. Tôi vẫn nhớ rõ bệnh nhân đầu tiên là anh Trần Tấn Tài, bị hỏng giác mạc do hóa chất. Khi nhìn thấy được anh đã mừng rỡ vô cùng và không tin rằng mình có thể thấy lại được.

Thưa Giáo sư, tại sao có những bệnh nhân sau khi ghép giác mạc thành công, mắt lại mờ dần?

Giáo sư Donald Tan: Đó là do sự thải ghép. Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân phổ biến là quá trình chăm sóc hậu phẫu sau đó không tốt, gây nhiễm trùng, giác mạc mới bị đào thải. Bạn nên nhớ rằng ghép giác mạc có thể được thực hiện nhiều lần sau khi thải ghép. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của việc cấy ghép nhiều lần có thể thấp hơn so với lần đầu tiên và có thể cần phải dùng thuốc chống loại thải để ngăn chặn sự đào thải trong các trường hợp này.

Vào lúc 8h30, thứ Bảy ngày 8/6/2013, Giáo sư bác sĩ Donald Tan sẽ buổi nói chuyện với chủ đề “Các kỹ thuật mới trong ghép giác mạc giúp đem đến kết quả điều trị tốt hơn” tại khách sạn Continental. Nếu muốn tìm hiểu thêm thông tin, bạn vui lòng đăng ký tham dự hội thảo với cô Tú Anh thông qua số điện thoại 0908 392 052 – (08) 5411 3333 (máy nhánh: 1078) hoặc Email: [email protected].

Sau đó từ ngày 25 đến 26-7-2012, Giáo sư - bác sĩ Donald Tan sẽ trực tiếp sang thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện FV.

Để biết thêm chi tiết hoặc đặt hẹn khám bệnh, bạn vui lòng liên hệ khoa Mắt của Bệnh viện FV: (08) 54 11 34 36 hoặc (08) 54 11 33 33, máy nhánh 2000 hoặc đặt hẹn trực tuyến tại www.fvhospital.com.